Cách quấn khăn cho bé sơ sinh ngủ ngon hiệu quả

0
231
Cách quấn khăn cho bé đúng cách
Quảng Cáo

Cách quấn khăn cho bé sơ sinh đúng, chuẩn sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Quấn khăn hay quấn chũn cho bé sơ sinh là một phương pháp lâu đời vẫn còn thông dụng đến nay. Biện pháp này giúp trấn an và làm dịu bé cưng của bạn. Mặc dù bạn sẽ làm khá lọng cọng trong lần đầu tiên nhưng việc này mang lại khá nhiều lợi ích. Vậy làm thế nào để quấn khăn đúng cách cho bé? Cùng VNCare giải đáp trong bài viết sau mẹ nhé!

1. Quấn khăn cho bé sơ sinh có lợi ích gì?

  • Quấn khăn cho trẻ sơ sinh giúp giảm giật mình hay phản xạ Moro. Đây là phản xạ nguyên thuỷ mà bé không tự điều khiển được. Bé ngủ hay giật mình, không sâu giấc và quấn khăn cho bé sẽ giảm được tình trạng này.
  • Giữ ấm cho bé: Khi ở trong bụng, thân nhiệt của bé sẽ luôn cao hơn của mẹ khoảng từ 0.5 – 1 độ. Sau khi sinh nhiệt độ đột ngột thay đổi, nó giảm xuống so với trong bụng mẹ nên sẽ làm bé bị lạnh. Việc quấn khăn sẽ đảm bảo bé được giữ ấm và không bị sốc nhiệt.
  • Quấn chũn cho bé giúp tránh được việc bé tự cào mặt và mắt mình.
  • Giúp giảm tần suất thức giấc khi bé ngủ nằm ngửa.
  • Quấn khăn cho trẻ sơ sinh sẽ giúp bé nằm ngửa khi ngủ, giảm nguy cơ SIDS (Hội chứng tử vong sơ sinh đột ngột).
  • Quấn khăn còn giúp xoa dịu và trấn an bé. Các bé đã quen với tình trạng có áp lực và cọ xát khi còn trong tử cung. Quấn khăn sẽ làm bé cảm thấy an toàn như đang ở trong bụng mẹ.
  • Quấn khăn sẽ giúp bé ngủ ngon và lâu hơn, giảm số lần thức giấc cũng như thời gian khóc của bé.

>>> Xem thêm:

Quấn khăn trẻ sơ sinh mang lại lợi ích cho mẹ
Quấn khăn cho bé giúp mẹ dễ ẵm bé hơn (Nguồn: Sưu tầm)

2. Nên dùng khăn quấn có chất liệu như thế nào cho bé?

Nên sử dụng các chất liệu mang lại sự dễ chịu và an toàn với da bé sơ sinh. Các loại vải muslin hay vải dệt cotton nhẹ là sự lựa chọn hoàn hảo cho làn da của bé sơ sinh mà giá thành lại không quá cao. Mẹ nên lựa chọn khăn quấn bé sơ sinh có hình vuông thay vì hình chữ nhật, sẽ thuận tiện hơn khi quấn khăn cho bé. Các mẹ có thể mua loại may sẵn hoặc có thể tự may tại nhà.

Tiêu chí chọn khăn quấn cho em bé sơ sinh
Quấn khăn cho bé mẹ nên chọn các loại vải muslin hay vải dệt cotton nhẹ (Nguồn: Sưu tầm)

3. Hướng dẫn quấn khăn đúng cách cho bé

3.1. Cách quấn khăn cho bé ngủ ngon không giật mình

Sau đây là một trong nhiều cách quấn bé sơ sinh khi ngủ:

  1. Trải khăn ra trên mặt bàn hay giường sao cho khăn trải hình vuông.
  2. Đặt bé nằm ngửa vào phần phía trên tấm trải.
  3. Đảm bảo tay bé để 2 bên người và thoải mái. Không cần ép bé thẳng tay. Bạn nên nhớ cánh tay sẽ giúp bé cảm giác an toàn nên đừng cứng nhắc quá.
  4. Xếp 1 góc của tấm khăn dọc xuống dưới, qua vai và bụng bé. Luồn góc này vào dưới mông bé để giữ chặt lại. Không cần kéo căng tấm trải nhưng ráng giữ nó thẳng và đủ thoải mái cho bé.
  5. Bên đối diện làm tương tự rồi chèn góc khăn vào dưới phần khăn bên kia.
  6. Phủ phần dưới tấm trải lên tới vai bé, gấp về phía sau lưng.
Cách quấn khăn cho bé sơ sinh ngủ ngon
Cách quấn khăn cho bé, giúp bé ngủ ngon và sâu giấc (Nguồn: Sưu tầm)

3.2. Cách quấn khăn cho bé khi ra ngoài

Khi ra ngoài, bạn có thể sử dụng nhộng chũn hoặc túi ngủ cho bé sơ sinh. Bởi nó sẽ tiện lợi, chắc chắn và thẩm mỹ hơn. Cách sử dụng túi ngủ cho bé sơ sinh khá đơn giản: 

Bước 1: Mở khóa kéo/ nút của túi ngủ.

Bước 2: Đặt bé nằm vào.

Bước 3: Kéo khóa/ cài nút lại.

3.3. Cách quấn khăn cho bé sau khi tắm

Thường thì một đứa trẻ sẽ rất vui khi trong bồn tắm, được xoa dịu bởi làn nước ấm, nhưng khi bạn nhấc đứa trẻ ra ngoài không khí lạnh, mọi thứ sẽ trở nên rối loạn. Một cách để mang lại tất cả sự thoải mái dễ chịu của một chiếc khăn quấn tắm có mũ cho bé.

cách làm khăn quấn đầu cho bé
Cách quấn khăn cho bé sau khi tắm chỉ với 4 bước đơn giản (Nguồn: Sưu tầm)

Đơn giản chỉ cần làm theo bốn bước sau để nâng niu em bé của mình trong sự thoải mái êm dịu sau khi ngâm mình nhẹ nhàng. 

Bước 1: Đặt khăn tắm xuống một mặt phẳng với mũ trùm ở trên cùng và cả hai dây đai hướng ra ngoài. Tiếp đó,  đặt em bé vào giữa khăn tắm với phần đầu được đặt vào bên trong mũ trùm đầu.

Bước 2: Gấp phần dưới của khăn tắm lên và lên trên bàn chân của bé.

Bước 3: Đặt cánh tay trái của bé hơi cong ở khuỷu tay bằng phẳng so với cơ thể của bé. Lấy mặt trái của khăn tắm và quấn ngang ngực bé. Đảm bảo cánh tay được cố định chắc chắn dưới lớp vải.

Bước 4: Cuối cùng, đặt cánh tay phải của bé hơi cong ở khuỷu tay so với cơ thể. Lấy mặt phải của khăn tắm và quấn ngang ngực của bé. Sau đó buộc các dây đai lại để đảm bảo chắc chắn chiếc khăn quấn trong bồn tắm.

3.4. Cách quấn khăn vuông cho bé vào mùa hè

Với những chiếc khăn vuông, mẹ chỉ cần cuộn khăn theo đường chéo sao cho khăn tạo thành một cuộn tròn dài. Bạn đặt một đầu khăn phía dưới đầu của bé, chuyển cho bé sang tư thế nằm nghiêng. Sau đó nhẹ nhàng vòng khăn hướng từ phía dưới chân lên phía trên đầu của bé. Phần đầu khăn gài cố định vào dưới cổ bé sao cho tay và chân bé nằm gọn trong vòng quấn của khăn. Sau khi quấn khăn, bạn có thể đắp thêm chăn mỏng lên cho bé nếu cần thiết.

Nếu bạn còn băn khoăn, lo lắng không biết mình quấn khăn cho con đã đúng hay chưa? Liệu có ảnh hưởng gì đến bé không thì hãy xem cách bạn quấn khăn cho bé đã đảm bảo các yếu tố sau đây chưa nhé. 

4. Những lưu ý khi quấn khăn cho bé

Dưới đây là một số lưu ý khi quấn khăn cho bé yêu mẹ cần ghi nhớ:

  • Lựa chọn quần áo làm từ chất liệu thấm hút tốt, thông thoáng khi quấn khăn cho bé. Điều này sẽ giúp bé tránh bị nóng. Mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ và bật thêm điều hoà vào mùa hè.
  • Không che mặt và đầu của trẻ khi quấn khăn. Đồng thời cũng tuyệt đối không nên kéo khăn quấn quá cổ bé.
  • Để bé có thể chuyển động trong khăn mẹ nên quấn vừa phải, không chặt quá.
  • Đừng ép bé nằm trong khăn quấn nếu bé không thích. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tập cho bé các điều chỉnh cảm xúc và tự trấn an mình.
  • Tuyệt đối không để bé nằm sấp mà phải để bé nằm ngửa khi quấn khăn. Vì sẽ có thể gây nguy hiểm cho bé, thậm chí là tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.
  • Mẹ có thể nới lỏng khăn quấn ở chân tay cho bé khi bé lớn hơn. Điều này cũng có thể giúp bé tập bỏ dần thói quen quấn khăn.

5. Không quấn khăn cho bé có được không ?

Quấn khăn có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể, nhưng không phải trẻ sơ sinh nào cũng phù hợp với việc quấn khăn. Vậy quấn khăn cho trẻ sơ sinh có bắt buộc không?

Một số bé sơ sinh cảm thấy ngột ngạt, cố gắng tỏ ra “chống đối” việc quấn khăn của cha mẹ bất cứ lúc nào có thể. Theo Whattoexpect, nếu việc quấn khăn làm cho trẻ khó chịu, thì ba mẹ không cần thiết phải quấn khăn cho bé.

Trước khi “đầu hàng” với việc quấn khăn cho bé, bạn có thể thử một số cách cho bé tập quen dần:

  • Thử để tay bé ra khỏi khăn quấn, nếu bé có vẻ muốn dang tay ra.
  • Thử các loại khăn quấn khác nhau để tìm ra loại khăn mà bé thích nhất.
  • Thử các loại khăn quấn có miếng dán sẵn, các loại kén có dây kéo hoặc túi nhộng chũn. 

Sau khi đã thử qua hết các cách giúp bé cảm thấy tự do hơn, cả về cử động tay chân, nhưng việc quấn khăn cũng không hề dễ chịu hơn? Hãy thoải mái bỏ qua giai đoạn quấn khăn này, không cần ép nếu bé không thích.

>>> Xem thêm: Quấn khăn cho trẻ có hại không? 6 điều mẹ phải chú ý khi quấn khăn cho con

cách quấn khăn cho bé sơ sinh
Việc quấn khăn làm cho trẻ khó chịu, thì ba mẹ không cần thiết phải quấn khăn cho bé (Nguồn: Sưu tầm)

6. Khi nào mẹ nên ngưng quấn khăn cho bé

Không có thời gian cụ thể khi nào thì nên ngưng quấn khăn cho bé. Mỗi bé phát triển khác nhau và sẽ tự học cách xoay trở tự nhiên. Một số chuyên gia cho rằng ba mẹ nên ngưng quấn khăn cho bé từ 2 tháng trở đi nhưng cũng có người cho là 6 tháng.

Quấn khăn cả người chỉ phù hợp với bé 0-3 tháng tuổi. Còn từ 3-6 tháng tuổi thì các bé chỉ thích quấn từ eo trở xuống. Quấn khăn là cách hiệu quả để giữ yên bé khi nằm ngửa và nó giúp khuyến khích bé tập nằm ngửa nhiều hơn. Lúc 3-4 tháng tuổi tuy bé đã biết lật nhưng việc quấn khăn vẫn còn có ích khi giữ tư thế nằm ngửa lúc ngủ.

Việc quấn khăn để giúp bé ngủ tốt rất thông dụng. Các bé có thể quẫy đạp rối tung chiếc khăn và chỉ ngưng cho đến khi được quấn khăn trở lại hoặc bạn nên sắm một chiếc khăn lớn hơn cho bé rồi đó.

7. Lưu ý khi ngưng dùng khăn quấn cho bé

Quấn chũn cho bé trong một thời gian dài, bạn cho rằng đó là một phần giấc ngủ của bé, và bạn lo lắng rằng việc quấn khăn có thể khiến bé ngủ chập chờn, không yên giấc?
Thực tế, tất cả trẻ sơ sinh đều rất dễ dàng thích nghi với việc ngủ mà không cần quấn khăn. Nhưng nếu bạn vẫn còn lăn tăn và muốn ngưng việc quấn khăn mỗi đêm một cách chậm rãi, bạn có thể thử:

  • Cho một tay của bé ra khỏi khăn quấn.
  • Sau vài đêm, cho cả hai tay của bé ra khỏi khăn quấn.
  • Một vài đêm sau đó, ngừng sử dụng chăn quấn hoàn toàn.

Hoặc bạn có thể đổi khăn quấn thành những túi nhộng chũn. Những loại khăn hay túi thay thế này chắc chắn, không dễ bung ra khi con bạn trở mình hoặc cử động lúc đang ngủ. Tuy nhiên, em bé sẽ dần phát triển lớn hơn, di chuyển nhiều hơn nên các dòng túi ngủ này sẽ không còn phù hợp với kích thước và độ an toàn cho bé nữa. Ngoài ra, bạn có rất nhiều công cụ hữu ích xung quanh để giúp bé ngủ ngon hơn:

  • Tạo thói quen cho bé như tắm – cho ăn – đung đưa – hát ru hoặc kể chuyện, giúp con thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ.
  • Tạo không khí nhẹ nhàng bằng cách làm mờ đèn, nói nhỏ, mở tiếng ồn trắng, Mát-xa cho bé nhẹ nhàng. 

8. Có nên quấn khăn cho bé khi ngủ không?

Bạn có thể sử dụng khăn quấn bé sơ sinh lúc bé ngủ nhưng cũng nên hạn chế việc này vì không phải bé nào cũng thích quấn khăn. Bạn nên quan sát con bạn có thoải mái hay không. Đặc biệt là trong lúc bé ngủ, bạn nên đảm bảo chân và hông bé vẫn cử động thoải mái được. Nếu bị quấn trong tư thế ép chân thẳng bé có khả năng bị kém phát triển phần hông.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là không nên quấn bé ở tư thế nằm sấp. Việc này nguy hiểm và tăng nguy cơ bị hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh.

Quấn khăn là một cách được nhiều bà mẹ sử dụng cho trẻ sơ sinh khi ra ngoài, lúc ngủ hay lúc cho bé tắm. Hy vọng những cách quấn khăn cho bé như trên sẽ giúp các mẹ yên tâm hơn trong việc chăm sóc trẻ.

>>> Xem thêm:

>>> Nguồn tham khảo:

Bài trướcLàm thế nào để khắc phục khi trẻ sơ sinh ngủ ít?
Bài tiếp theoTrẻ sơ sinh ngủ nhiều mà không chịu bú có sao không?