10 nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ – Trẻ bị chảy máu mũi phải làm sao?

0
183
chảy máu cam ở trẻ
Quảng Cáo

Chảy máu cam ở trẻ có phải là điều đáng lo? Bố mẹ phải làm gì khi trẻ bị chảy máu mũi để tình trạng không tệ hơn? Cùng VNCare tìm hiểu các nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ, cách xử trí thích hợp khi trẻ bị chảy máu cam trong bài viết dưới đây bố mẹ nhé!

Chảy máu cam ở trẻ

Chảy máu cam là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, hầu như trẻ nào cũng đều đã từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Tuy trẻ bị chảy máu mũi nhìn khá đáng sợ nhưng đại đa số lại không có gì đáng lo ngại. Để hiểu được nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ, chúng ta tìm hiểu một chút về cấu tạo của mũi nhé. Mũi là cửa ngõ đầu tiên tiếp nhận không khí hít vào, nó chứa rất nhiều mạch máu nhỏ nằm sát bề mặt niêm mạc mũi để làm ấm không khí trước khi đi vào phổi. Vì đặc điểm này nên mạch máu mũi rất dễ bị tổn thương.

Có hai loại chảy máu mũi:

  • Chảy máu mũi trước bắt nguồn từ khoang mũi trước, khiến máu chảy ra ngoài qua lỗ mũi. Đây là loại chảy máu mũi phổ biến nhất và nó thường không nghiêm trọng.
  • Chảy máu mũi sau bắt nguồn từ phía sau của đường mũi, gần cổ họng. Chảy máu cam sau ít phổ biến hơn chảy máu cam trước, nhưng chúng có thể nghiêm trọng và có thể gây mất nhiều máu. May mắn là trẻ em không thường bị chảy máu mũi sau.
chảy máu cam ở trẻ em
Chảy máu cam ở trẻ nhìn đáng sợ nhưng hầu hết không có gì đáng lo ngại (Nguồn: Sưu tầm)

Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em

  • Môi trường: Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ thường gặp là do không khí môi trường hít vào quá khô, trẻ ngoáy mũi, bị dị ứng hoặc cảm lạnh làm tổn thương mạch máu mũi.
  • Chấn thương mũi: Trẻ bị chảy máu cam có thể do té ngã, chấn thương vùng mặt hoặc dị vật bỏ quên. Các bé nhỏ hay nhét các đồ chơi nhỏ như các hạt cườm, tẩy cao su, nút áo, thậm chí cả pin vào sâu bên trong mũi. Các dị vật bỏ quên lâu ngày sẽ gây nên tình trạng chảy máu mũi ở trẻ em và tái đi tái lại kèm mùi hôi do nhiễm trùng.
  • Sử dụng thuốc: Khi trẻ dùng các thuốc chống đông máu Warfarin, Dabigatran, Rivaroxaban, Apixaban, Edoxaban, Fondaparinux, Clopidogrel (biệt dược: Plavix), Aspirin thì sẽ có khả năng bị chảy máu cam và khó cầm máu. Trong trường hợp này các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ theo dõi.
  • Do tác dụng phụ của thuốc xịt mũi: Các loại thuốc xịt mũi chứa Steroid là loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, thuốc xịt mũi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ em. Nếu trẻ bị chảy máu mũi thì bố mẹ cần xin ý kiến bác sĩ về việc ngừng sử dụng thuốc xịt.

Chảy máu cam có thể chỉ bị vài lần, nhưng nếu trẻ chảy máu cam kéo dài thì nguyên nhân có thể do:

  • Thường xuyên tiếp xúc với không khí khô, nhất là mùa hè thời tiết oi bức, ngồi phòng máy lạnh liên tục,…
  • Sử dụng các loại thuốc xịt mũi có chứa Steroid để trị viêm mũi dị ứng, thuốc phòng ngừa hen suyễn trong thời gian dài.
  • Cảm lạnh tái phát.
  • Bên cạnh đó, chảy máu cam tái diễn có thể là dấu hiệu của rối loạn đông máu. Tuy nhiên các mẹ lưu ý, trẻ bị rối loạn đông máu sẽ kèm theo các triệu chứng như xuất huyết da gây bầm tím, xuất huyết khớp gây sưng khớp, xuất huyết tiêu hóa gây ói ra máu, đi tiêu phân đen, chảy máu khó cầm sau chấn thương nhẹ,…

Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam

Chảy máu cam ở trẻ em đa số sẽ tự hết, không ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại biến chứng gì nghiêm trọng với điều kiện là mẹ và trẻ phải biết xử trí đúng cách. Các bước sơ cứu trẻ bị chảy máu mũi ban đầu như sau:

  • Ngồi hoặc đứng và hơi cúi người về phía trước để máu chảy ra mũi trước. Không nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau vì tư thế này làm máu chảy ra mũi sau, có thể khiến bé nuốt phải máu và có thể dẫn đến nôn mửa.
  • Bóp 2 cánh mũi vào nhau để cầm máu, đồng thời hướng dẫn trẻ há miệng ra để hít thở. Không kẹp chặt sống mũi (phần xương mũi cứng) vì điều đó không giúp cầm máu và không ấn vào một bên cánh mũi, ngay cả khi máu chỉ chảy ở một bên.
  • Bóp kín mũi trong ít nhất 5 phút (đối với trẻ em, và sử dụng đồng hồ để tính giờ. Đừng buông tay ngưng bóp kín mũi để kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa một cách thường xuyên nhé. Nhiều trẻ mất cơ hội cầm máu vì ngưng bóp mũi quá sớm.
  • Nếu muốn, mẹ cũng có thể chườm lạnh hoặc chườm đá lên sống mũi. Điều này có thể giúp các mạch máu co lại và làm chậm quá trình chảy máu. Bước này thường không cần thiết, nhưng nhiều người thích làm.

Nếu mẹ làm theo các bước trên nhưng không thành công và mũi của trẻ vẫn tiếp tục chảy máu, hãy lặp lại tất cả các bước trên một lần nữa. Bóp kín mũi trong ít nhất 30 phút. Nếu mũi trẻ vẫn tiếp tục chảy máu, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay nhé! Tại bệnh viện, các bác sĩ trước tiên sẽ kiểm tra trẻ có bị nghẹt thở hay không, sau đó tiến hành cầm máu bằng thuốc adrenalin hoặc thiết bị điện (hiếm khi). Trong những trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể nhét kín mũi bằng miếng bọt biển, gạc, xốp hoặc các vật liệu khác có thể giúp cầm máu. Những trẻ bị chảy máu cam nghiêm trọng có thể cần phải đặt bóng vào sâu trong mũi và bơm căng bóng để cầm máu. Một số bệnh nhân bị chảy máu nhiều, kéo dài có thể cần được truyền dịch hoặc máu.

Sau khi cầm máu, các bác sĩ sẽ kiểm tra mũi để phát hiện các khối u hoặc các dị dạng mạch máu, dị vật bỏ quên…. và điều trị theo nguyên nhân nhé!

Trường hợp chảy máu cam mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Đa số các chảy máu cam sau xử trí đúng cách đều tự cầm. Một số trường hợp đặc biệt sau, mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay nếu:

  • Chảy máu cam ồ ạt hoặc gây khó thở.
  • Chảy máu cam kèm da xanh xao, mệt mỏi hoặc mất phương hướng.
  • Không ngừng chảy máu sau khi đã cầm máu đúng cách như hướng dẫn trên.
  • Sau cuộc phẫu thuật mũi gần đây hoặc trẻ có một khối u mũi đã biết.
  • Chảy máu cam kèm các triệu chứng nghiêm trọng khác như đau ngực.
  • Chảy máu cam sau chấn thương, chẳng hạn như trẻ bị đánh vào mặt và mẹ lo ngại rằng con có thể bị các chấn thương khác (ví dụ gãy xương).
  • Chảy máu cam ở trẻ đang dùng các thuốc ngăn đông máu như Warfarin, Dabigatran, Rivaroxaban, Apixaban, Edoxaban, Fondaparinux, Clopidogrel (biệt dược: Plavix), Aspirin.Chảy máu cam khó cầm và trẻ có nhiều vết bầm tím da, chảy máu nơi khác hoặc trẻ đã bị chảy máu cam nhiều lần.
chảy máu cam ở trẻ em
Trẻ bị chảy máu cam nên đưa đến bác sĩ khi kèm các triệu chứng khác (Nguồn: Sưu tầm)

Những sai lầm bố mẹ nên tránh khi xử lý trẻ bị chảy máu cam

Cho trẻ nằm hoặc ngả đầu ra sau khi bị chảy máu mũi

Khi trẻ bị chảy máu mũi bố mẹ thường cho con nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau. Tuy nhiên đây lại là sai lầm phổ biến và cực kỳ tai hại. Cách làm này sẽ khiến máu chảy nhiều xuống cổ họng, làm cho bé khó chịu, bị ngạt và sặc do máu chảy qua lỗ thông khí. Thậm chí nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở và ngộ độc máu.

Cầm máu mũi ở trẻ bằng bông, gạc hoặc giấy

Theo quán tính, khi các bậc phụ huynh thấy trẻ bị chảy máu cam sẽ cầm máu cho con bằng cách lấy gạc, bông hoặc giấy thấm nhét vào mũi. Tuy nhiên, không ai có thể đảm bảo các vật dụng cầm máu này đều được vô khuẩn. Chính vì vậy, khi chúng tiếp xúc với niêm mạc mũi có thể sẽ gây nhiễm trùng.

Lạm dụng nước muối sinh lý khi bé bị chảy máu cam

Nhiều người quan niệm rằng, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ tạo độ ẩm cho mũi, giúp niêm mạc không bị khô và không bị chảy máu cam. Tuy nhiên, việc nhỏ muối sinh lý quá nhiều có thể chỉ tạo độ ẩm lúc đó, nhưng lâu dài sẽ khiến mũi của trẻ bị khô hơn do phụ thuộc vào nước muối sinh lý.

Một số câu hỏi thường gặp khi trẻ bị chảy máu mũi

Trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì?

  • Vitamin C: Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chảy máu cam là do thiếu hụt vitamin C. Bản thân vitamin C được sử dụng để ngăn ngừa bệnh chảy máu chân răng, bệnh Scurvy (scorbut),… Ngoài ra, vitamin C không chỉ giúp tăng cường mạch máu mà còn giúp các mạch máu ít bị tổn thương và khỏe hơn kể cả khi có tác động mạnh. Bố mẹ có thể cho trẻ bổ sung vitamin C từ các loại thực phẩm tự nhiên như: cam, quýt, ổi, chanh, quất, dâu tây, bưởi, việt quất,…
  • Vitamin K: Những người thường hay bị chảy máu cam cũng cần cung cấp đủ vitamin K. Người có nguy cơ thiếu hụt vitamin K gồm các bệnh về gan mật, bệnh celiac hay mắc chứng ợ nóng. Các thực phẩm giàu vitamin K như: súp lơ, cải bó xôi, cải xoăn, măng tây, húng quế, bắp cải,…
  • Kali: Đây là chất khoáng vi lượng có vai trò điều chỉnh khí huyết lưu thông. Người thiếu Kali máu, nhất là trẻ em sẽ có nguy cơ bị mất nước, các mô trong cơ thể cũng bị thiếu nước theo và mao mạch tại mũi bị khô rát sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu cam. Bố mẹ có thể cho trẻ bổ sung Kali bằng các loại thực phẩm như cà chua, cà rốt, nghêu, cá, sữa chua, rau xanh, bơ, chuối,…
  • Sắt: Thiếu sắt không những dẫn đến chảy máu cam ở trẻ mà còn tăng nguy cơ thiếu máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa chảy máu cam không thể thiếu việc bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như ngũ cốc nguyên hạt, thịt bò, thịt vịt, tôm, ngao, sò huyết,…
chảy máu cam ở trẻ em
Trẻ bị chảy máu mũi nên bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin C, K và các loại khoáng chất (Nguồn: Sưu tầm)

Trẻ bị chảy máu cam nên tránh những thực phẩm gì?

Ngoài việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất thì người hay chảy máu cam cùng nên tránh những thực phẩm sau:

  • Đồ ăn có tính cay, nóng: Các đồ ăn cay nóng như mù tạt, ớt, hành, hạt tiêu,… có thể làm nóng trong người, tăng khả năng phá hỏng cấu trúc niêm mạc mạch máu. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm dễ gây nóng cũng cần hạn chế như vải, xoài, nhãn,…
  • Thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ: Chất béo bão hòa trong thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào rất cao. Chúng có thể làm giảm hệ miễn dịch và khiến vết thương khó lành.
  • Các loại chất kích thích: Trẻ bị chảy máu cam nên tránh các loại chất kích thích như nước ngọt, cà phê, thuốc lá, rượu, bia,…

Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên có nguy hiểm không?

Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng bình thường khi cơ thể của bé quá nóng hoặc thiếu các loại vitamin và khoáng chất. Trong trường hợp bé bị chảy máu mũi thường xuyên thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám kịp thời. Bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm như rối loạn đông máu hoặc khối u mũi và bệnh bạch cầu.

Mẹo giúp phòng ngừa chảy máu cam tái phát

Nếu trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, các biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ bị chảy máu cam mà mẹ có thể áp dụng tại nhà bao gồm:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ khi ngủ, đặc biệt là khi không khí rất khô.
  • Giữ ẩm cho mũi bằng cách sử dụng gel hoặc xịt mũi có chứa nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu.
  • Tránh ngoáy mũi hoặc nếu phải làm vậy, hãy cắt móng tay để tránh bị làm tổn thương niêm mạc và mạch máu mũi. Đây cũng là cách phòng tránh đơn giản nhưng hiệu quả đối với các trẻ em có thói quen ngoáy mũi nhé!

Trên đây là những thông tin về hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em. Hy vọng, qua bài viết VNCare chia sẻ các bậc phụ huynh về biết được nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa chảy máu mũi ở trẻ em hiệu quả nhất.

Ngoài ra, nếu bố mẹ muốn tìm kiếm những thông tin hữu ích khác thì có thể xem qua chuyên mục Tin tức nhé!

Nguồn: Chảy máu cam ở trẻ

Bài trướcCháo lươn cho bé nấu với rau gì? 10 cách nấu giúp bé ăn dặm bổ dưỡng
Bài tiếp theoThực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng tăng cân nhanh theo ngày