Giải pháp chăm sóc toàn diện sức khỏe răng miệng trẻ em

0
160
Quảng Cáo
BS. Quách Thị Quỳnh Nhi
Bác sĩ Đa KhoaspecialtiesNhi Khoa
BS Quách Thị Quỳnh Nhi chuyên thăm khám và điều trị các bệnh lý Nhi Khoa tổng quát.

Bạn có biết, phần lớn những bệnh trong cơ thể đều xuất phát từ răng miệng? Khoang miệng mỗi người có khoảng 700 loại vi khuẩn ẩn chứa và có thể là nguyên nhân của các vấn đề bệnh lý gặp phải.

Do đó, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em là rất quan trọng, là nền tảng duy trì ở trẻ một sức khỏe tốt và phát triển toàn diện. Bài viết sau đây với sự hỗ trợ chuyên môn của Bác sĩ Quách Thị Quỳnh Nhi – Khoa Nhi của Jio Health sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin chi tiết.

Cấu tạo của răng

Kế hoạch chăm sóc răng miệng trẻ em

Trẻ cần được khám nha sĩ sớm nhất lúc 6 tháng tuổi, hoặc sau khi mọc cái răng đầu tiên và không trễ hơn 12 tháng tuổi. Sau đó khám mỗi 6 tháng hoặc thường xuyên hơn. Đây là việc làm cần thiết để giúp bác sĩ đánh giá tổng quát tình trạng răng miệng của bé, bao gồm: Yếu tố nguy cơ, yếu tố bảo vệ, phát hiện lâm sàng, thảo luận về vệ sinh răng miệng, fluoride, chế độ ăn dinh dưỡng, thói quen dùng núm vú giả hay ngậm ngón tay, chỉnh nha.

Các yếu tố nguy cơ

Những thói quen của trẻ lúc nhỏ sẽ tác động rất lớn đến khả năng tạo hình xương sau này. Đôi khi, một số thói quen răng miệng có hại chỉ gây ra lệch răng hoặc khớp cắn sâu, tuy nhiên, cũng có trường hợp ảnh hưởng đến sự tồn tại của răng. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ thường mắc phải ở trẻ:

  • Mẹ hoặc người chăm sóc chính có bị sâu răng trong 12 tháng vừa qua.
  • Mẹ hoặc người chăm sóc chính không đến nha sĩ
  • Trẻ tiếp tục dùng bình hoặc cốc uống các loại nước khác hơn là uống nước.
  • Thường xuyên ăn vặt.
  • Trẻ có vấn đề sức khỏe cần chăm sóc đặc biệt.

Các yếu tố bảo vệ

Sức khỏe răng miệng của bé sẽ được đảm bảo nếu từ nhỏ đã được bảo vệ thường xuyên bởi các yếu tố này:

  • Có nha sĩ gia đình.
  • Uống nước có fluoride hoặc có bổ sung fluoride.
  • Có varnish fluoride răng lần cuối cách nay 6 tháng.
  • Đánh răng 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có fluoride.

Khám lâm sàng nhằm phát hiện

  • Đốm trắng hoặc calci hóa nhìn thấy trong vòng 12 tháng qua.
  • Sâu răng nghiêm trọng.
  • Phục hồi trám hiện tại.
  • Tích tụ mảng bám.
  • Viêm nướu (sưng, chảy máu nướu).
  • Tình trạng hiện tại của răng.
  • Sức khỏe răng.

Mẹ hoặc người chăm sóc trẻ giữ vệ sinh răng miệng tốt và khám răng định kỳ nhằm mục đích ngăn chặn vấn đề sâu răng liên quan lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn sang trẻ.

  • Không dùng chung dụng cụ, cốc, muỗng hay bàn chải đánh răng với trẻ.
  • Không ngậm núm vú giả của trẻ. Dùng xà phòng nhẹ và nước rửa sạch núm vú giả.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe răng miệng về việc sử dụng kẹo cao su hoặc viên ngậm Xylitol (nếu sức khỏe răng miệng của người lớn là một vấn đề), có thể làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng do đó có hiệu quả có lợi cho sức khỏe răng miệng người lớn.

Một số vấn đề răng miệng trẻ em cần chú ý

Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị mắc các vấn đề về răng miệng cần chú ý như sâu răng, nhiễm fluor… Vì vậy, hiểu được tính chất của từng vấn đề sẽ giúp bạn phát hiện sớm và có giải pháp phòng ngừa đúng phương pháp.

Sâu răng

Sâu răng là bệnh nhiễm trùng, trong đó acid do vi khuẩn hoặc mảng bám thức ăn sinh ra làm hư men răng. Đây là một quá trình diễn ra liên tục không có điểm dừng, xuyên qua răng và đi vào tận tủy răng, kết quả là gây đau và mất răng. Quá trình này có thể đi xa hơn nhiễm trùng tại chỗ (như abscess răng, viêm mô tế bào vùng mặt), gây nên nhiễm trùng hệ thống và một số trường hợp hiếm hơn có tử vong. Sâu răng sớm ở thời thơ ấu là yếu tố nguy cơ độc lập mạnh nhất của sâu răng vĩnh viễn.

Sự phát triển thành sâu răng đòi hỏi 4 yếu tố: răng, vi khuẩn, tiếp xúc carbohydrate và thời gian.

Quá trình tái khoáng hóa và khử khoáng hóa men răng với sự tham gia của Canxi, Photpho và Acid.
Hình ảnh sâu răng

Nhiễm fluor

Tình trạng này xảy ra khi ta đưa nhiều fluor vào người trong quá trình phát triển của răng và xương. Nhiễm fluor răng vĩnh viễn xảy ra khi ta đưa vào người đủ một lượng fluor và trong đủ một khoảng thời gian vào lúc men răng được khoáng hóa. Nhiễm fluor là kết quả của khoáng hóa thấp (mềm và không đều màu của men răng) và xốp giữa các gậy men răng đang phát triển dưới bề mặt. Gặp ở trẻ dưới 8 tuổi, và thời điểm dễ nhiễm fluor nhất là 15 – 30 tháng tuổi. Ngưỡng gây nhiễm fluor: 0.03 – 0.1 mg Fluoride/ kg. Người nhiễm fluor mức độ nhẹ và trung bình lại ít bị sâu răng hơn người bình thường. Những người nhiễm fluor mức độ nặng có nguy cơ cao sâu răng hơn các đối tượng khác.

Một số tình trạng răng nhiễm fluor: rất nhẹ, nhẹ, vừa, nghiêm trọng

Các mức độ nhiễm Fluoride từ nhẹ đến nặng, biểu hiện trên răng với hình ảnh đốm trắng đục nhỏ, lớn, răng trắng đục và xuất hiện đốm nâu trên nền răng trắng đục.

Một số giải pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ

Để trẻ có một hàm răng khỏe mạnh, tránh được mầm bệnh, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

Chăm sóc răng miệng bằng chế độ ăn

  • Thức ăn tốt cho răng miệng bao gồm: rau, trái cây, sản phẩm từ hạt (bột, bánh mì), thịt, cá, gà, trứng các chế phẩm từ sữa, đậu.
  • Nếu không có sữa mẹ, sử dụng sữa CT pha bằng nước có fluoride.
  • Người lớn tránh: dùng miệng để kiểm tra nhiệt độ bình sữa, dùng chung đồ dùng (như muỗng), làm sạch núm vú giả/núm bình sữa bằng miệng. Hành động này ngăn ngừa sự nhiễm vi khuẩn từ cha mẹ, nguyên nhân gây sâu răng, đặc biệt là mẹ thông qua nước bọt truyền qua con.
  • Tránh để nước uống có đường ứ đọng xung quanh răng trẻ. Không để trẻ nhũ nhi vừa bú bình/ sippy cup vừa ngủ. Và cũng không để trẻ bú/ uống sữa những loại nước chứa đường bằng bình/ sippy cup suốt ngày hoặc đêm.
Sippy cup

Bồng trẻ khi cho bú. Đảm bảo chắc chắn không bao giờ được chống đỡ bình sữa (dùng gối hoặc bất kỳ vật gì để giữ bình ở trong miệng trẻ).

  • Không bao giờ thêm bột ngũ cốc vào bình, điều này sẽ gây nên tình trạng dịch có chứa đường bao xung quanh răng. Trẻ nhũ nhi ăn thức ăn lỏng với muỗng hoặc nĩa khi trẻ có khả năng, tập trẻ tự ăn.
  • Giới thiệu một cốc nhỏ khi trẻ nhũ nhi có thể tự ngồi mà không cần hỗ trợ.
  • Cai bú bình, bắt đầu lúc con 9 – 10 tháng tuổi, bắt đầu cho ăn thức ăn loãng/ uống bằng cốc, và tất cả trẻ từ 12 – 14 tháng tuổi có thể uống từ cốc.
  • Không giới thiệu nước trái cây cho trẻ trước 12 tháng tuổi. Ưu tiên trái cây hơn nước trái cây, giới hạn nước trái cây < 120ml/ ngày cho trẻ 1 – 3 tuổi và 120 – 180 ml/ ngày cho trẻ 4 – 6 tuổi.
  • Với trẻ hơn 6 tháng tuổi, cung cấp thức ăn tốt cho sức khỏe phù hợp với độ tuổi cho cả bữa chính, bữa phụ, và giới hạn ăn giữa các bữa.
  • Nếu trẻ đòi uống giữa các bữa ăn, ưu tiên nước/ sữa hơn nước trái cây, nước có hương vị trái cây, soda.
  • Cung cấp nước suốt ngày, đặc biệt giữa các bữa ăn và các bữa ăn vặt. Sử dụng nước có chứa fluoride.
  • Cung cấp ít thức ăn chứa đường hơn nữa.

Vệ sinh răng miệng cho trẻ

  • Trẻ nên được vệ sinh nướu và miệng sau bữa ăn bằng khăn mềm và ướt, hoặc ít nhất một lần mỗi ngày.
  • Khi mọc cái răng đầu tiên trẻ bắt đầu đánh răng và bắt đầu sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride (1.000 – 1.500ppm) khi trẻ được 2 tuổi (đến sinh nhật lần thứ 2).
  • Đánh răng 2 lần mỗi ngày: sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ, và 2 phút mỗi lần. Nên nhổ kem đánh răng ra ngoài, nhưng không súc miệng với nước sau đánh răng, để fluoride còn trong miệng giúp ngăn ngừa sâu răng.
  • Dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày, trước khi đi ngủ.
  • Trẻ dưới 3 tuổi (trước khi đến lần sinh nhật lần thứ 3) lượng kem đánh răng mỗi lần bằng hạt gạo.
  • Trẻ trên 3 tuổi lượng bằng hạt đậu.
Lượng kem đánh răng sử dụng cho một lần
  • Để hiệu quả loại trừ mảng bám tốt, trẻ nên có ít nhất 1 lần trong ngày được ba mẹ chải răng cho, cho đến khi trẻ có kiểm soát vận động tốt (thường 7 – 8 tuổi = lúc trẻ có khả năng cột dây giày), khi đó ba mẹ chỉ giám sát là đủ (số lần, lượng kem).
  • Chỉ sử dụng nước súc miệng chứa Fluoride khi trẻ biết nhổ ra ngoài.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng với lông mềm và đầu nhỏ, nên dùng loại thiết kế riêng cho nhũ nhi.
  • Với trẻ nhũ nhi cần chăm sóc đặc biệt hơn, giúp trẻ thích nghi với dụng cụ đặc biệt để chải răng.
Chọn bàn chải đánh răng cho trẻ có đầu nhỏ, lông bàn chải mềm và dễ cầm nắm
  • Không cho trẻ nhũ nhi ăn hay uống sau lần đánh răng buổi tối (trừ nước).
  • Làm quen với hình ảnh bình thường của răng và nướu có thể giúp phát hiện những vấn đề khi xảy ra. Kiểm tra nướu và răng mỗi tháng bằng cách nâng môi lên và tìm sâu răng ở  mặt trong và mặt ngoài của răng.
  • Nếu trẻ nhũ nhi bị đau nướu do mọc răng, dùng ngón tay sạch chà lên nướu hoặc miếng gạc ẩm hoặc khăn ướt giúp trẻ dễ chịu hơn. Một cách khác là cho trẻ teeth ring lạnh hoặc muỗng lạnh. Nếu trẻ đặc biệt khó chịu, cho trẻ Acetaminophen hoặc Ibuprofen.

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ với Fluoride

Fluoride là nguyên tố chìa khóa trong ngăn chặn và kiểm soát sâu răng. Ba hoạt động chính của Fluoride là tăng tái khoáng men răng, giảm khử khoáng men răng và ức chế vi khuẩn chuyển hóa tạo acid.

Tác động của fluoride gồm có tác dụng tại chỗ và toàn thân, trong đó tác dụng tại chỗ quan trọng hơn. Hiện nay, Fluoride đường toàn thân (nước uống, thực phẩm, bổ sung) có cả 2 tác dụng, tác dụng tại chỗ trên răng đã mọc (trước khi nuốt, gia tăng fluoride trong nước bọt và trên nướu), và tác dụng toàn thân nhờ nồng độ Fluoride trong huyết tương điều trị khoáng hóa lớp áo ngoài bề mặt của răng chưa mọc.

Fluoride dùng tại chỗ có thể nuốt được (kem đánh răng, nước súc miệng, Vanish fluoride).

Bảng hướng dẫn bổ sung Fluoride ở trẻ em.

– Một số nguồn cung cấp Fluoride: nước được Fluoride hóa, kem đánh răng có chứa fluoride và sản phẩm bổ sung fluoride. Nên đánh giá lượng fluoride có trong nước uống, trong thực phẩm (thức ăn, các loại nước uống, sữa công thức, thức ăn nhanh..) và lượng Fluoride trong kem đánh răng trước khi quyết định bổ sung fluoride, nhằm tránh tình huống thừa fluoride.

– Bổ sung fluoride là sử dụng viên uống hoặc dạng siro chứa Sodium fluoride hàm lượng 0.25mg, 0.5mg và 1mg Fluoride. Nhai hoặc súc miệng trong 1 – 2 phút trước khi nuốt.

Viên uống Fluoride

– Có thể Vanish fluoride răng (nha sĩ làm) từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, bắt đầu khi mọc chiếc răng đầu tiên, lặp lại mỗi 6 tháng cho tất cả các trẻ và mỗi 3 tháng cho trẻ có nguy cơ cao sâu răng. Vanish fluoride này an toàn vì chỉ tác dụng tại chỗ và gần như không có tình trạng nuốt fluoride do đó không gây nên fluorosis.

Vanish Fluoride

– Điều trị tại chỗ: sodium fluoride 5% và Acidulated phosphate flouride 1.23% và Sliver diamine fluoride 5% (được FDA chấp nhận, bạc có tác dụng diệt khuẩn, hiệu quả làm ngừng sâu răng)

Cách ngăn ngừa và điều trị chấn thương răng miệng

Cha mẹ và người chăm sóc nên học cách ngăn ngừa chấn thương răng miệng và cách xử lý các trường hợp khẩn cấp về răng miệng, đặc biệt là mất hoặc gãy răng.

Khi trẻ mất hoặc gãy răng

  • Nếu gãy răng sữa, không bao giờ cố gắng đặt răng đã gãy vào lại hốc răng, vì  nguy cơ đặt không đúng chỗ và đẩy quá sâu vào ổ răng mềm bên dưới làm ảnh hưởng hoặc tệ hơn làm hư răng vĩnh viễn đang phát triển bên dưới. Nếu răng sữa bị gãy hoặc mẻ, cha mẹ hoặc người người lớn nên (1) cho trẻ súc miệng với nước, (2) chườm lạnh lên má đề giảm sưng, (3) tìm răng hoặc mảnh răng vỡ nếu có thể, (4) đưa trẻ và răng bị gãy, mảnh răng vỡ đến nha sĩ ngay lập tức
  • Nếu bị mất răng vĩnh viễn, cha mẹ và người lớn nên (1) tìm chiếc răng đã bị mất, (2) giữ phần thân răng (phần phía trên cùng), không giữ chân răng, (3) nếu chân răng gãy bị dơ, rửa răng dưới nước lạnh nhẹ nhàng, không cọ rửa, (4) đặt răng vào lại hốc răng càng sớm càng tốt, đảm bảo mặt trước của răng quay ra phía ngoài, (5) đưa trẻ đến nha sĩ ngay lập tức. Nếu không thể đặt răng vào lại chỗ cũ, hãy đặt răng vào cốc sữa lạnh hoặc quấn răng bằng khăn ướt lạnh, đưa trẻ và răng đến nha sĩ ngay lập tức.

Khi trẻ ngồi trên ô tô

  • Sử dụng ghế ngồi trên ô tô ở dãy ghế phía sau trong mọi thời điểm, và luôn luôn thắt dây an toàn cho trẻ vào ghế ô tô.
  • Chọn ghế ngồi trên ô tô mặt quay về phía sau hoặc ghế ngồi trên ô tô mặt quay về phía trước phụ thuộc vào tương quan cân nặng hoặc chiều cao của trẻ và giới hạn về cân nặng và chiều cao tối đa cho phép của từng loại ghế.
  • Nếu trẻ có cân nặng hoặc chiều cao vượt quá giới hạn cho phép sử dụng của ghế ngồi trên ô tô mặt quay về phía sau, khi đó chúng ta đổi qua sử dụng ghế ngồi trên ô tô mặt quay về phía trước.
  • Khi trẻ vượt quá giới hạn cân nặng hoặc chiều cao ghế ngồi ô tô mặt quay về phía trước ta chuyển qua thắt dây an toàn trên ghế nâng định vị cho đến khi trẻ đủ lớn vừa với dây đai an toàn.
  • Hãy kiểm tra giới hạn cân nặng và chiều cao trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn của ghế trước khi sử dụng.
Ghế ngồi trên ô tô cho trẻ với mặt quay về phía sau
Ghế ngồi trên ô tô cho trẻ với mặt quay về phía trước

Khi trẻ đi mua sắm cùng cha mẹ

Không đặt trẻ trong xe đẩy mua sắm, thay vào đó sử dụng xe nôi, xe kéo hoặc địu trẻ trong khi mua sắm. Nếu đặt trẻ trong xe đẩy mua sắm, hãy tuân theo những nguyên tắc an toàn sau:

  • Thắt dây thắt an toàn suốt thời gian trẻ ngồi trong xe đẩy mua sắm.
  • Không đặt chỗ trẻ ngồi ở đầu mút xe đẩy mua sắm.
  • Không bao giờ rời đi và để trẻ một mình trong xe đẩy mua sắm.
  • Không để trẻ đứng trong xe đẩy mua sắm.
  • Không để trẻ cưỡi lên rổ xe đẩy mua sắm.
  • Không bao giờ để trẻ cưỡi bên ngoài xe đẩy mua sắm.
  • Không để đồ vật xung quanh trong tầm với của trẻ.

Khi trẻ ở nhà

  • Sử dụng khóa và chốt cài an toàn cho các ngăn kéo và tủ. Giữ tất cả dao và đồ dùng sắc nhọn, chất độc, thuốc, chất tẩy rửa, dụng cụ hỗ trợ sức khoẻ và chăm sóc sắc đẹp, sơn và dung môi sơn ở nơi an toàn.
  • Khóa cửa và sử dụng rào chắn an toàn ở đầu trên và đầu dưới cầu thang, đồng thời sử dụng khóa an toàn và thiết bị an toàn trên cửa sổ ở tầng trệt.
  • Giám sát khi trẻ ở trên cầu thang và khi trẻ trèo lên trèo xuống đồ đạc trong phòng.
  • Giữ dây cáp của các thiết bị điện, dây điện thoại, dây điện, rèm và các cuộn dây ngoài tầm với của trẻ (ví dụ: cột rèm và cuộn dây vào cái chêm sao cho trẻ không với tới được).
  • Đặt thức ăn và đĩa của vật nuôi ngoài tầm với của trẻ. Không để trẻ đến gần vật nuôi khi chúng đang ăn.

Khi trẻ vui chơi

  • Không đưa trẻ những đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể đưa vào miệng. Đảm bảo chắc chắn rằng những đồ chơi này là một khối không tách rời được chứ không phải được cấu tạo từ nhiều phần ghép lại với nhau. Giữ những đồ chơi cấu tạo từ nhiều phần nhỏ hoặc có dạng góc cạnh ngoài tầm với của trẻ.
  • Đảm bảo chắc chắn những đồ chơi là mềm (như trái banh không làm từ da hoặc chất liệu cứng).
Không cho trẻ đưa tay lên miệng
  • Đảm bảo sân chơi của trẻ được bảo dưỡng cẩn thận với các thiết bị ở trong tình trạng tốt. Tất cả các thiết bị trong sân chơi nên được bao quanh bởi bề mặt mềm như cát mịn, dăm gỗ, mùn gỗ hoặc thảm cao su được sản xuất vì mục đích này.
  • Giám sát khi trẻ ở sân chơi có thiết bị, đảm bảo trẻ chỉ chơi với các thiết bị phù hợp với lứa tuổi.
  • Không sử dụng xe tập đi có bánh cho trẻ nhũ nhi.
  • Đảm bảo trẻ đội mũ bảo hiểm khi chơi đồ chơi có bánh xe, thậm chí là xe đạp 3 bánh.
  • Đội mũ bảo hiểm khi bé chạy xe đạp hay chơi ván trượt, xe đạp địa hình, xe mô tô. Trẻ dưới 16 tuổi không nên lái xe mô tô và xe mô tô địa hình, bất kể kích thước nào.
  • Đảm bảo rằng trẻ mặc đồ bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể chất hoặc thể thao có nguy cơ gây chấn thương vùng miệng như: đi xe đạp, trượ ván, trượt patin, bóng đá, bóng chuyền, bóng chày…
  • Dạy trẻ cách ngăn ngừa chấn thương, bao gồm cả việc cần thiết phải mặc đồ bảo hộ bảo vệ mặt, miệng và đầu.

Những trường hợp khác

  • Luôn luôn giữ tay trẻ ở trên cao như bàn, giường, ghế.
  • Xỏ khuyên ở miệng có thể gây nguy cơ chấn thương răng và nướu.
  • Nhận thức được rằng nguy cơ chấn thương sẽ cao hơn trong thời kỳ trẻ phát triển nhanh chóng.
  • Cung cấp cho người chăm sóc trẻ số điện thoại cấp cứu của nha sĩ, và đảm bảo rằng người chăm sóc biết làm thế nào để giải quyết tất cả trường hợp cấp cứu.

BS. Quách Thị Quỳnh Nhi

Nhi Khoa

Nguồn:

https://jiohealth.com/tin-tuc/giai-phap-cham-soc-toan-dien-suc-khoe-rang-mieng-tre-em

Bright Futures Guidelines for Health Supervision of Infants, Children, and Adolescents.

https://www.nhs.uk/conditions/fluoride/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2798610/

https://ods.od.nih.gov/factsheets/Fluoride-HealthProfessional/


Bài trướcQuy trình niềng răng diễn ra thế nào? Lưu ý gì ở các giai đoạn niềng răng
Bài tiếp theoNiềng răng hô và những câu hỏi thường gặp