Rối loạn cương dương

0
143
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung về rối loạn cương dương

Bệnh rối loạn cương dương là bệnh gì?

Rối loạn cương dương (liệt dương) là tình trạng dương vật không đủ khả năng hoặc khó duy trì sự cương cứng đủ để giao hợp. Bạn có thể bị rối loạn cương dương nếu bạn phải các tình trạng sau đây:

  • Không thể cương cứng
  • Chỉ thỉnh thoảng có thể cương cứng
  • Có thể cương cứng nhưng không thể duy trì đủ lâu để có thể quan hệ tình dục.

Triệu chứng thường gặp của rối loạn cương dương

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn cương dương là gì?

Triệu chứng rõ nhất là ham muốn tình dục giảm. Rối loạn cương dương có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ đôi khi có thể cố gắng đạt được độ cương cứng, nhưng người bệnh nặng hơn thường xuyên không đạt được độ cương cứng đủ để giao hợp.

Một số trường hợp người bệnh có thể đạt được sự cương cứng bình thường. Tuy nhiên, tại thời điểm khác, họ lại không thể đạt được hoặc duy trì cương cứng.

Ngoài ra, nồng độ testosterone thấp có thể dẫn đến loãng xương, mất năng lượng và cơ bắp yếu.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay nếu:

  • Bạn đang lo ngại về khả năng cương cứng của mình hoặc đang gặp vấn đề về tình dục khác như rối loạn phóng tinh, như xuất tinh sớm hay trễ
  • Bạn có bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh khác về sức khỏe được biết đến có thể được liên kết với rối loạn cương dương
  • Bạn có những triệu chứng khác cùng với rối loạn cương dương.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn cương dương

Nguyên nhân nào gây ra bệnh rối loạn cương dương?

Những nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương bao gồm:

  • Các rối loạn làm giảm lưu lượng máu hoặc gây tổn thương đến các dây thần kinh trên dương vật.
  • Sự tổn thương ở dây thần kinh dương vật có thể là kết quả từ phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng (đặc biệt là phẫu thuật tuyến tiền liệt), xạ trị, bệnh cột sống, bệnh tiểu đường, đa xơ cứng hoặc rối loạn thần kinh ngoại biên.
  • Rối loạn nội tiết tố (như nồng độ thấp bất thường của testosterone) gây rối loạn cương dương.

Các yếu tố khác bao gồm đột quỵ, thuốc lá, rượu và ma túy. Thuốc cũng thường gây rối loạn cương dương (đặc biệt là ở nam giới lớn tuổi) bao gồm thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, một số thuốc an thần, một số thuốc lợi tiểu và các loại thuốc bất hợp pháp.

Ngoài ra, các yếu tố tâm lý như bệnh tật, mệt mỏi và stress có thể tác động và gây khó khăn để đạt được sự cương cứng.

Nguy cơ mắc phải rối loạn cương dương

Những ai thường mắc phải bệnh rối loạn cương dương?

Thông thường, càng cao tuổi thì bạn càng có khả năng mắc rối loạn cương dương. Theo thống kê, khoảng một nửa số đàn ông ở độ tuổi 65 và 3/4 đàn ông ở độ tuổi 80 tuổi mắc rối loạn cương dương. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn cương dương?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương, bao gồm

  • Điều kiện tâm lý, chẳng hạn như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm.
  • Lo lắng về khả năng tình dục của mình.
  • Chấn thương tâm lý về tình dục trước đó (ví dụ như hiếp dâm, loạn luân, lạm dụng tình dục…).
  • Mắc một số bệnh như tiểu đường hoặc bệnh tim.
  • Trải qua một số thủ thuật y tế như phẫu thuật tuyến yên hoặc xạ trị.
  • Sử dụng một số loại thuốc, như thuốc chống trầm cảm, thuốc cao huyết áp…
  • Dùng chất kích thích hoặc nghiện rượu.
  • Sử dụng thuốc lá.
  • Thừa cân.

Điều trị hiệu quả rối loạn cương dương

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rối loạn chức năng cương dương?

Thông thường, đa số các trường hợp bác sĩ có thể chẩn đoán được rối loạn cương dương thông qua tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc những tình trạng mãn tính hoặc bác sĩ nghi ngờ một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó có thể gây ra bệnh. Một số xét nghiệm khác có thể được bác sĩ yêu cầu như:

  • Xét nghiệm máu: được thực hiện để đo nồng độ testosterone, giúp xác định các tình trạng có thể dẫn đến rối loạn cương dương tạm thời hoặc vĩnh viễn, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, nhiễm trùng
  • Xét nghiệm nước tiểu: như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra bạn tiểu đường hoặc một số bệnh lý khác
  • Siêu âm dương vật: giúp bác sĩ tìm ra các bất thường của dòng máu ở dương vật
  • Đo huyết áp ở chân và đánh giá các xung trong chân và bàn chân: có thể phát hiện vấn đề ở các động mạch
  • Kiểm tra tâm lý: bác sĩ có thể hỏi một số câu hỏi để kiểm tra chứng trầm cảm hoặc các bệnh tâm lý khác có thể gây ra rối loạn cương dương.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rối loạn chức năng cương dương?

Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc uống, chèn hoặc tiêm vào dương vật, dùng thiết bị bơm chân không, thiết bị co thắt và liệu pháp tâm lý.

Sử dụng các biện pháp giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát tình trạng rối loạn cương dương, chẳng hạn như việc chữa trị bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch và tiểu đường cũng có thể giúp cải thiện rối loạn cương dương, mặc dù hiệu quả không cao. Giảm cân, tập thể dục và ngưng hút thuốc lá cũng có thể giúp cải thiện.

Thuốc uống

Hầu hết các loại thuốc làm tăng lưu lượng máu đến dương vật bao gồm thuốc uống, thuốc tiêm và thuốc chèn vào dương vật.

Thuốc chứa các chất ức chế phosphodiesterase là các loại thuốc được sử dụng nhiều nhất để điều trị rối loạn cương dương. Loại thuốc này có hiệu quả ở khoảng 60 đến 75% nam giới bị rối loạn cương dương. Các thuốc này được dùng bằng cách uống khoảng 1 giờ trước khi sinh hoạt tình dục và đã cho thấy hiệu quả ở 60% đến 75% nam giới từng sử dụng.

Các bác sĩ thường kê toa cho nam giới thuốc điều trị rối loạn cương dươngcó tác dụng kéo dài 36 giờ. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng chúng nhiều hơn 1 lần một ngày.

Thuốc tiêm hoặc chèn vào dương vật

Các loại thuốc này sẽ giúp mở rộng động mạch và tăng lưu lượng máu đến dương vật. Tuy nhiên, thuốc có thể có một số tác dụng phụ như gây choáng váng, cảm giác nóng bỏng của dương vật hoặc đôi khi sự cương cứng kéo dài cũng có thể gây đau đớn. Vì những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, bệnh nhân khi sử dụng liều đầu tiên sẽ được giám sát dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể tham khảo các loại thuốc cương dương.

Tiêm thuốc là một trong những cách hiệu quả nhất để có được sự cương cứng từ 80% đến 90%. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông thường không muốn tiêm vào dương vật của họ. Ngoài ra, việc tiêm khá đau đớn và có thể tạo mô sẹo khi sử dụng nhiều lần.

Liệu pháp thay thế testosterone

Liệu pháp thay thế testosterone có thể giúp nam giới mắc bệnh rối loạn cương dương do nồng độ testosterone thấp. Testosterone có thể có nhiều hình thức, bao gồm miếng dán, các loại kem bôi và tiêm trực tiếp vào máu. Các tác dụng phụ có thể xuất hiện bao gồm rối loạn gan và tăng nguy cơ đột qụy.

Thiết bị co thắt và thiết bị hút chân không

Thiết bị co thắt: các thiết bị này giúp người bệnh tránh được các tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị bằng thuốc. Các thiết bị này (chẳng hạn như dây và vòng làm bằng kim loại, cao su, hoặc da) được đặt tại dương vật để làm chậm dòng chảy của máu.

Thiết bị bơm chân không (bao gồm một khoang rỗng gắn vào một nguồn hút) có tác dụng hỗ trợ khả năng hút máu vào dương vật, tạo ra sự cương cứng. Tuy nhiên, chúng hơi cồng kềnh và có thể gây đau, bầm tím dương vật và khó khăn khi xuất tinh.

Các phương pháp điều trị khác

Một thiết bị mô phỏng sự cương cứng có thể được phẫu thuật cấy ghép trong dương vật. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải nằm viện ít nhất 6 tuần để phục hồi trước khi có thể quan hệ tình dục bình thường.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng liệu pháp tâm lý nhằm cải thiện các yếu tố về tinh thần và cảm xúc nếu chúng là nguyên nhân rối loạn cương dương.

Việc cải thiện tình trạng rối loạn có thể mất một thời gian dài và cần phối hợp nhiều phương pháp với nhau. Người bệnh và đối tác của mình phải có sự hợp tác thật tốt với bác sĩ để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Chế độ sinh hoạt phù hợp khi bị rối loạn cương dương

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rối loạn chức năng cương dương?

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến rối loạn cương dương:

  • Hãy bỏ thuốc lá: nếu bạn gặp khó khăn khi cai thuốc lá hoặc cần sự giúp đỡ, hãy thử thay thế nicotine bằng kẹo cao su hoặc kẹo ngậm, bạn cũng có thể hỏi bác sĩ các toa thuốc giúp bạn bỏ thuốc lá.
  • Các hoạt động thể chất trong thói quen hàng ngày của bạn: tập thể dục có thể làm giảm một phần nào đó tình trạng rối loạn chức năng cương dương, thông qua việc làm giảm stress, giúp bạn giảm cân và tăng lưu lượng máu.
  • Bỏ rượu và chất kích thích: uống hoặc dùng quá nhiều các loại chất kích thích bất hợp pháp có thể làm trầm trọng thêm rối loạn cương dương trực tiếp hoặc bằng cách gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài.
  • Cải thiện các vấn đề về mối quan hệ: hãy cải thiện mối quan hệ với đối tác hoặc gỡ rối các vấn đề trong công việc của bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Chứng rối loạn cương dương có liên quan đến bệnh tim mạch?
  • 5 điều các đấng mày râu nên biết về thuốc cương dương
  • 7 cách điều trị rối loạn cương dương không cần uống thuốc
Bài trướcRối loạn cực khoái
Bài tiếp theoRối loạn dây thần kinh số 3