Những triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và cách chữa trị

0
141
sốt xuất huyết ở trẻ em
Quảng Cáo

Sốt xuất huyết ở trẻ em có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời và đúng cách. Vậy làm sao nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em? Cùng VNCare tìm hiểu chi tiết về căn bệnh sốt xuất huyết cũng như triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em mà ba mẹ cần lưu ý nhé!

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 típ được ký hiệu là D1, D2, D3, D4, và đều xuất hiện ở Việt Nam. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ, người lớn cũng như trẻ đã mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn có khả năng bị lại với típ khác.

Bệnh lây lan qua vết đốt của muỗi vằn Aedes aegypti. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết bao gồm: muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn thường hoạt động mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối, hay trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, và đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước tù. Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết lưu hành rất phổ biến trên toàn quốc, dịch thường bùng phát vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết, thoát huyết tương ra ngoài mô kẽ dẫn đến sốc giảm thể tích lòng mạch, làm rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng, suy đa cơ quan, trong trường hợp không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em được chia làm 3 mức độ từ nhẹ đến nặng:

Sốt xuất huyết Dengue ở trẻ nhỏ

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em Dengue ở trẻ em có bệnh thể nhẹ nhất là:

  • Sốt cao 39 – 40 độ liên tục trong vòng 2 – 5 ngày và khó hạ sốt.
  • Xuất huyết, biểu hiện như có thể thấy như nghiệm pháp dây thắt dương tính, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc máu cam.
  • Các triệu chứng khác như đau đầu, nhức 2 hốc mắt, buồn nôn, chán ăn, da sưng huyết ửng đỏ, đau khớp, phát ban,…
  • Chưa cô đặc máu với Hematocrit bình thường hoặc tăng nhẹ ≤ 20% so với trị số trước đó của bệnh nhân hoặc so với trị số bình thường theo tuổi.
  • Tiểu cầu giảm nhẹ hoặc bình thường và số lượng ≥ 100.000/mm3, số lượng bạch cầu thường giảm. 
Nổi phát ban, da sưng huyết ửng đỏ là một trong những dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết
Nổi phát ban, da sưng huyết ửng đỏ là một trong những dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết (Nguồn: Sưu Tầm)

Bé bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu sốt xuất huyết Dengue ở trẻ có thể gồm các triệu chứng:

  • Cơ thể vật vã, lờ đờ, li bì.
  • Đau bụng vùng gan (dưới sườn bên phải) hoặc ấn đau vùng gan.
  • Gan to hơn 2cm dưới bờ sườn bên phải.
  • Nôn nhiều lần.
  • Xuất huyết niêm mạc nhẹ: ói ra máu, tiêu ra máu, tiểu ra máu…Tiểu ít.

Xét nghiệm máu:

  • Cô đặc máu với Hematocrit tăng cao ≥ 20% so với trị số trước đó của bệnh nhân hoặc so với trị số bình thường theo tuổi.
  • Tiểu cầu giảm nhanh và số lượng ≤ 100.000/mm3. 
Khi trẻ sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng lờ đờ, người mệt mỏi
Bé bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu lờ đờ, mệt mỏi (Nguồn: Sưu tầm)

Sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em

Khi trẻ bị sốt xuất huyết Dengue nặng:

  • Sốc giảm thể tích: Xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh, lúc này trẻ vật vã, lạnh đầu, da ẩm lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp hoặc tụt, tiểu ít.
  • Tình trạng xuất huyết nặng: Chảy máu mũi, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết nội tạng, tiêu hóa.
  • Suy tạng: Suy gan, thận, tổn thương não gây ra rối loạn tri giác, co giật, hôn mê, suy tim, suy hô hấp.

Hướng dẫn điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Phần lớn các trường hợp là thể nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm tình trạng sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Cách chữa sốt xuất huyết ở trẻ em

Để chữa sốt xuất huyết ở trẻ em cần:

  • Hạ sốt, mặc quần áo thoáng mát. Sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol. Các mẹ nên tham vấn bác sĩ, dược sỹ về liều dùng cho trẻ.
  • Bù dịch sớm bằng đường uống: Mẹ cho trẻ uống nhiều nước oresol, nước sôi để nguội hoặc nước trái cây như nước cam chanh, dừa,…
  • Để chăm sóc trẻ tại nhà, mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo,… và theo dõi nhiệt độ cho trẻ. Nếu như mẹ phát hiện ra dấu hiệu như cảnh báo phía trên thì kịp thời đưa bé vào bệnh viện.

Phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ có dấu hiệu cảnh báo nặng

Trường hợp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ có dấu hiệu cảnh báo nặng. Lúc này, bệnh nhi được cho nhập viện theo dõi và điều trị:

  • Truyền dịch nếu trẻ không ăn uống được, nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước,…Chống sốc.
  • Truyền máu, tiểu cầu, huyết tương, kết tủa lạnh để bù máu và chống đông.
  • Thở oxy, thở máy hỗ trợ khi trẻ sốc kéo dài.
  • Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải và thăng bằng đường huyết, kiềm toan, dinh dưỡng.
  • Chống co giật, chống phù não.
  • Lọc máu trong trường hợp suy gan, thận cấp.
Xác định thân nhiệt trẻ em khi mắc sốt xuất huyết
Theo dõi nhiệt độ cơ thể bé bằng cách đo thân nhiệt (Nguồn: Sưu Tầm)

Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn trên diện rộng và rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Do đó, mẹ nên lưu ý trong việc phòng, chống mắc bệnh sốt xuất huyết tại nhà để ngăn chặn và giảm thiểu nguồn bệnh xung quanh trẻ.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt, cụ thể như sau:

  • Bố mẹ nên loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách:
  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại.,..) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
  • Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,… dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Ngoài ra, mẹ có thể phòng chống muỗi đốt bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay.
  • Ngủ trong màn hoặc mùng kể cả ban ngày.
  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  • Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
  • Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết

Vì Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết nên khi trẻ bị sốt cao không hạ từ 3 ngày trở lên bố mẹ cần nghĩ ngay đến trẻ có phải có biểu hiện sốt xuất huyết không?

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường có triệu chứng không điển hình và tiến triển nhanh, khó lương nên khi có biểu hiện sốt xuất huyết nêu trên thì cần đưa trẻ đến trung tâm y tế.

Nếu mẹ muốn tìm thêm thông tin khác thì có thể tham khảo chuyên mục Tin tức của VNCare.

Bài trướcTrẻ bị hẹp bao quy đầu: Dấu hiệu và Cách kiểm tra, chữa trị
Bài tiếp theoCó nên dùng nôi cho em bé? Nôi cho trẻ sơ sinh loại nào tốt?