Viêm tuyến tiền liệt

0
96
Quảng Cáo

Viêm tiền liệt tuyến là bệnh thường do nguyên nhân nhiễm trùng tại tiền liệt tuyến, bệnh ít gặp hơn so với viêm bàng quang hoặc niệu đạo. Tuy thế, nhiễm trùng tiền liệt tuyến cấp tính là một bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ diễn tiến nặng đến nhiễm trùng toàn thân hay sốc nhiễm trùng.

Tìm hiểu chung

Viêm tuyến tiền liệt là gì?

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng hoặc viêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà viêm tuyến tiền liệt sẽ xuất hiện đột ngột hoặc từ từ. Có 3 loại viêm tuyến tiền liệt:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
  • Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu khó
  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm
  • Có máu lẫn trong nước tiểu
  • Đau ở vùng bụng, bẹn, thắt lưng, giữa bìu và hậu môn
  • Đau khi xuất tinh
  • Các dấu hiệu khác giống với cảm cúm.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Khi gặp các triệu chứng trên, bạn hãy nhanh chóng đến bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tuyến tiền liệt là gì?

Tùy từng loại viêm tuyến tiền liệt mà có các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn thường được gây ra do các vi khuẩn phổ biến như nhiễm vi khuẩn E.coli. Nếu viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn gây ra không được điều trị triệt để, bệnh sẽ tái phát và khó điều trị hơn, dẫn đến hình thành viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Ngoài ta, viêm tuyến tiền liệt xuất hiện còn là do những nguyên nhân sau:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch
  • Rối loạn hệ thần kinh
  • Chấn thương ở tuyến tiền liệt hoặc các vùng lân cận
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh dẫn đến bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu và chlamydia.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm tuyến tiền liệt?

Viêm tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng có xu hướng phổ biến hơn ở nam giới từ 50 tuổi trở xuống. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Các yếu tố nguy cơ đối với viêm tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Tuổi tác: nam giới ở độ tuổi trung niên
  • Đã từng mắc phải viêm tuyến tiền liệt
  • Bị nhiễm trùng ở bàng quang hoặc niệu đạo
  • Bị chấn thương vùng chậu
  • Không uống đủ nước
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Bị HIV/AIDS
  • Căng thẳng.

Bạn không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Việc chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt thường được dựa trên các triệu chứng và khám lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bàng quang để việc chẩn đoán được chính xác hơn. Ngoài ra, các phương pháp khác như xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu cũng sẽ được thực hiện khi cần thiết.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt mà bệnh này sẽ có những cách điều trị khác nhau bao gồm:

  • Dùng kháng sinh: bác sĩ sẽ xác định bạn nhiễm khuẩn gì để kê thuốc uống cho phù hợp. Nếu các triệu chứng bạn gặp phải trở nên nghiêm trọng, bạn sẽ được bác sĩ truyền kháng sinh qua tĩnh mạch. Bạn cũng có thể dùng các loại kháng sinh khác theo chỉ định của bác sĩ trong 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, đối với những trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính hoặc tái phát, bạn cần phải điều trị lâu hơn.
  • Dùng thuốc chẹn beta để làm giảm đau khi đi tiểu.
  • Thuốc chống viêm: thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm cho bạn thoải mái hơn.
  • Các liệu pháp mát-xa tuyến tiền liệt.
  • Tắm nước ấm.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm tuyến tiền liệt?

Những thay đổi trong lối sống và các biện pháp khắc phục sau đây có thể làm giảm một số triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt:

  • Tắm nước ấm.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia, cà phê, và các loại thực phẩm có tính cay hoặc có tính axit.
  • Tránh ngồi lâu. Bạn nên ngồi trên một chiếc đệm lót để giảm bớt áp lực lên tuyến tiền liệt.
  • Thực hiện các biện pháp bảo hộ khi đạp xe để làm giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.

Khi bạn có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu như tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt kèm theo sốt, đau vùng bụng dưới hoặc tầng sinh môn thì nên đi khám kiểm tra viêm tiền liệt tuyến. Thông thường trong viêm cấp, tiền liệt tuyến rất to và đau khi sờ chạm. Nhiễm trùng tiền liệt tuyến cấp tính cần được điều trị kháng sinh sớm và đúng phác đồ trong 7–10 ngày. Các trường hợp viêm tiền liệt tuyến mãn tính cần được sử dụng thuốc kéo dài hơn. Một số nguyên nhân hiếm khác cũng có thể gây viêm tiền liệt tuyến và điều trị cần ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Đau thắt lưng: dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt
  • Tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính
  • Cắt đốt tuyến tiền liệt qua ngả niệu đạo
Bài trướcViêm tuyến nước bọt
Bài tiếp theoViêm tuyến vú