Viêm xoang cấp tính

0
103
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Viêm xoang cấp tính là gì?

Mũi bị tắc nghẹt và gây áp lực lên xương gò má thường là dấu hiệu của viêm xoang cấp tính. Viêm xoang cấp tính, hay còn gọi là viêm mũi xoang cấp tính, là một nhiễm trùng/viêm trong thời gian ngắn hoặc viêm niêm mạc của các xoang. Tình trạng này ngăn chặn chất nhầy thoát ra mũi.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang cấp tính?

Các triệu chứng phổ biến của viêm xoang cấp tính là:

  • Dịch đặc dày, màu vàng hoặc màu xanh lục chảy qua mũi hoặc mặt sau của cổ họng (chảy dịch mũi sau)
  • Tắc mũi hoặc nghẹt mũi, gây khó thở ở đường mũi
  • Đau, nhạy cảm, sưng và tăng áp suất xung quanh mắt, má, mũi hoặc trán. Triệu chứng tăng lên khi bạn cúi xuống
  • Tăng áp tai
  • Nhức đầu
  • Nhức hàm trên và răng
  • Giảm khứu giác và vị giác
  • Ho, ho tăng vào ban đêm
  • Hôi miệng
  • Mệt mỏi
  • Sốt

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:

  • Các triệu chứng không được cải thiện trong vòng vài ngày hoặc nặng thêm
  • Sốt dai dẳng
  • Bệnh sử của viêm xoang tái phát hay mạn tính

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm xoang cấp tính?

Viêm xoang cấp tính thường do cảm lạnh vì nhiễm virus gây ra. Trong một số trường hợp có kèm theo nhiễm trùng.

Nguy cớ mắc phải

Mức độ phổ biến của viêm xoang cấp tính?

Viêm xoang cấp tính là bệnh phổ biến. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang cấp tính?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm xoang cấp tính như:

  • Sốt mùa hè do dị ứng phấn hoa hay các tình trạng dị ứng khác ảnh hưởng đến xoang
  • Bất thường trong cấu trúc mũi như lệch vách ngăn mũi, mẩu thịt thừa hoặc các khối u trong mũi
  • Một tình trạng sức khỏe như xơ nang hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch như HIV/AIDS.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm xoang cấp tính?

Bác sĩ sẽ cảm nhận sự tăng cảm ở vùng mũi, mặt và khám bên trong mũi của bạn.

Các phương pháp khác có thể được sử dụng để chẩn đoán viêm xoang cấp tính và loại trừ các tình trạng khác bao gồm:

  • Nội soi mũi. Bác sĩ sẽ luồn qua mũi một ống mỏng, dẻo (nội soi) được gắn sợi ánh sáng để kiểm tra trực quan bên trong xoang.
  • Chẩn đoán hình ảnh. Chụp CT hoặc MRI có thể cho thấy chi tiết ở xoang và vùng mũi. Mặc dù không được khuyến cáo cho viêm xoang cấp tính không kèm biến chứng, chẩn đoán hình ảnh có thể giúp xác định những bất thường hoặc nghi ngờ có biến chứng.
  • Xét nghiệm vi sinh mũi và xoang. Xét nghiệm này thường không cần thiết để chẩn đoán viêm xoang cấp tính. Tuy nhiên, khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị và tình trạng ngày càng xấu đi, nuôi cấy vi khuẩn giúp xác định nguyên nhân do nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm dị ứng. Nếu bác sĩ nghi ngờ viêm xoang cấp tính của bạn kích hoạt bởi dị ứng, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra da dị ứng. Một thử nghiệm da an toàn và nhanh chóng, giúp xác định các chất gây dị ứng làm bùng phát các triệu chứng viêm xoang cấp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm xoang cấp tính?

Hầu hết các trường hợp viêm xoang cấp tính gây ra do virus sẽ tự khỏi. Các biện pháp tự chăm sóc làm nhẹ các triệu chứng là đủ để điều trị.

Phương pháp điều trị giảm các triệu chứng

Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị để giúp giảm các triệu chứng viêm xoang, bao gồm:

  • Nước muối loãng xịt mũi. Bạn xịt vào mũi nhiều lần trong ngày để rửa sạch mũi.
  • Xịt corticosteroid vào mũi. Những thuốc xịt mũi giúp ngăn ngừa và điều trị viêm, ví dụ như fluticasone (Flonase®, Veramyst®), budesonide (Rhinocort®), mometasone (Nasonex®) và beclomethasone (Beconase AQ®, Qnasl®, các biệt dược khác). Các loại thuốc này có sẵn tại hiệu thuốc và các loại thuốc theo toa dạng lỏng, viên và xịt mũi. Bạn lưu ý chỉ sử dụng thuốc thông mũi vài ngày, nếu không có thể làm tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn (tái tắc nghẽn).
  • Thuốc giảm đau không cần toa như aspirin, acetaminophen (Tylenol®, các biệt dược khác) hoặc ibuprofen (Advil®, Motrin IB®, các biệt dược khác).

Hãy cẩn thận khi bạn dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Chống chị định aspirin hoàn toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên đã bị bệnh thủy đậu hoặc cúm. Lý do là aspirin liên quan đến hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng ở những trẻ đó.

Kháng sinh

Kháng sinh thường không cần thiết trong điều trị viêm xoang cấp tính. Thậm chí nếu viêm xoang cấp tính của bạn là do vi khuẩn, nó có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Bác sĩ có thể chờ đợi và theo dõi viêm xoang cấp tính do vi khuẩn có xấu đi không. Khi các triệu chứng tiến triển nặng hoặc dai dẳng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh. Hãy tuân thủ liệu trình kháng sinh được kê, ngay cả khi các triệu chứng của bạn tốt hơn. Nếu bạn ngừng kháng sinh sớm, các triệu chứng có thể tái phát.

Liệu pháp miễn dịch

Nếu dị ứng có liên quan đến viêm xoang của bạn, tiêm phòng dị ứng (phương pháp miễn dịch) sẽ giúp giảm phản ứng của cơ thể với các dị nguyên nhất định, từ đó giúp điều trị các triệu chứng của bạn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xoang cấp tính?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với viêm xoang cấp tính:

  • Uống nhiều nước hoặc nước trái cây sẽ giúp làm loãng dịch nhầy do đó giảm nghẽn tắc. Tránh các đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu, vì chúng có thể gây mất nước. Uống rượu cũng có thể làm niêm mạc xoang và mũi sưng lên.
  • Làm ẩm các xoang. Quấn một chiếc khăn trên đầu khi bạn hít hơi ấm từ bát nước nóng. Giữ hơi nước tỏa vào mặt bạn. Hoặc tắm nước nóng, thở trong không khí ấm và ẩm. Điều này sẽ giúp giảm đau một cách dễ dàng và giúp làm loãng dịch nhày.
  • Đặt gạc ấm lên mặt. Đặt thêm khăn ấm và ẩm xung quanh mũi, má và mắt của bạn để giảm đau vùng mặt.
  • Rửa sạch hốc mũi. Sử dụng một chai bóp thiết kế đặc biệt (Sinus Rinse hoặc loại khác) hoặc bình rửa. Các biện pháp rửa sạch mũi xoang tại nhà cũng giúp làm sạch các xoang. Nếu bạn tự rửa mũi với các dụng cụ tại nhà, hãy dùng nước cất, vô trùng, nước đun sôi để nguội hoặc lọc nước với bộ lọc có kích thước 1 micron hoặc nhỏ hơn để tạo dung dịch rửa. Ngoài ra, hãy rửa sạch các dụng cụ với nước sạch và để khô thoáng sau mỗi lần sử dụng.
  • Ngủ với đầu để cao. Điều này sẽ giúp dịch ở các xoang chảy ra và làm giảm tình trạng tắc nghẽn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcViêm xoang
Bài tiếp theoViêm xoang hàm