Viêm hạch bạch huyết mãn tính

0
192
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Viêm hạch bạch huyết mãn tính là gì?

Viêm hạch bạch huyết mãn tính là viêm hoặc nhiễm trùng hạch bạch huyết trong một thời gian dài. Các hạch bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch. Hệ thống này chiến đấu và ngăn ngừa nhiễm trùng. Công việc của hạch bạch huyết là lọc các chất không mong muốn như vi khuẩn và virus, giúp loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.

Các hạch bạch huyết thường tập trung ở cổ, nách và háng. Viêm hạch bạch huyết mãn tính có thể ảnh hưởng đến một hạch, một số hạch trong một khu vực hoặc các hạch ở nhiều vùng trên cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm hạch bạch huyết mãn tính là gì?

Các triệu chứng bao gồm:

  • Các hạch bạch huyết bị sưng, đau, nhạy cảm hoặc cứng
  • Vùng da trên hạch có màu đỏ và ấm khi chạm vào
  • Sốt kèm với các triệu chứng sau đây:
    • Ớn lạnh
    • Cảm giác thèm ăn
    • Đổ mồ hôi nhiều
    • Mạch nhanh
    • Mệt mỏi toàn thân
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Cổ cứng

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết mãn tính là gì?

Các hạch bạch huyết sưng lên khi chống lại nhiễm trùng. Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, sưng có thể kéo dài. Viêm hạch thường do nhiễm trùng lan đến các hạch bạch huyết từ da, tai, mũi hoặc nhiễm trùng mắt. Các nguyên nhân khác của viêm hạch bao gồm:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn liên cầu hoặc tụ cầu khuẩn
  • Viêm amidan
  • HIV
  • Herpes sinh dục
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân
  • Viêm khớp dạng thấp vị thành niên
  • Bệnh bạch cầu hoặc u lympho
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
  • Bệnh Kawasaki

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Viêm hạch bạch huyết mãn tính phổ biến hơn ở trẻ em dưới 12 tuổi. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm hạch bạch huyết mãn tính bao gồm:

  • Có một trong những nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết
  • Tiếp xúc với người có một trong những nguyên nhân gây viêm hạch bạch huyết
  • Tiếp xúc với động vật, cụ thể là mèo, chuột hoặc bò

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Bạn sẽ được hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu khám lâm sàng.

Các chất dịch của cơ thể và mô có thể được kiểm tra bằng:

  • Xét nghiệm máu
  • Cấy máu
  • Sinh thiết hạch bạch huyết

Chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện bằng siêu âm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Viêm hạch bạch huyết mãn tính càng được điều trị sớm, kết quả càng khả quan, tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu bạn nghi ngờ mắc tình trạng này, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Điều trị viêm hạch bạch huyết mãn tính tùy thuộc vào nguyên nhân. Nói chuyện với bác sĩ về kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

Các loại thuốc

Các thuốc có thể được kê toa như:

  • Thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) giúp giảm viêm và sưng. Aspirin có thể được khuyến cáo cho người lớn.

Lưu ý: Aspirin không được khuyến cáo cho trẻ em hoặc thiếu niên đang hoặc gần đây bị nhiễm virus do nguy cơ mắc hội chứng Reye. Hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc khác an toàn cho con bạn. Các phương pháp điều trị cụ thể khác tùy vào chẩn đoán.

Chăm sóc hỗ trợ

Băng nén ấm và ẩm chườm lên các hạch bạch huyết bị viêm có thể giúp giảm đau.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết để rút mủ nếu có.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý viêm hạch bạch huyết mãn tính?

Để giúp giảm nguy cơ viêm hạch bạch huyết mãn tính:

  • Tìm cách điều trị kịp thời các nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Liên hệ với bác sĩ khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng.
  • Thực hiện các bước để ngăn ngừa nhiễm trùng:
    • Thực hành các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên.
    • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
    • Có một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Sưng hạch bạch huyết? Bạn nên cẩn thận nhé!
  • Vì sao bạn bị sưng vùng kín sau khi quan hệ?
  • 9 cách trị viêm loét bao quy đầu tại nhà
Bài trướcViêm hạch bạch huyết
Bài tiếp theoViêm hạch mạc treo