Categories: Sức Khoẻ

Viêm phổi

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên viêm phổi thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi; người có hệ miễn dịch kém; bệnh nhân tim mạch và tiểu đường cùng người hay tiếp xúc với nguồn bệnh. Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phổi là nhiễm trùng vi khuẩn, có thể sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp trên, lúc này virus làm tổn thương niêm mạc đường dẫn khí hô hấp làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi.

Triệu chứng điển hình của viêm phổi là sốt, ho đờm đục và đau ngực khi ho. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, triệu chứng bệnh đôi khi không điển hình và có thể dẫn đến việc đi viện trễ, lúc này điều trị khá khó khăn và đôi khi cần sử dụng các máy móc thông khí hỗ trợ.

Tìm hiểu chung

Viêm phổi là bệnh gì?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng làm viêm túi khí ở một hoặc cả hai phổi. Các túi khí có thể chứa đầy dịch hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. 

Thông thường, nguyên nhân gây viêm phổi là do vi khuẩn, virus và nấm.

Viêm phổi có thể ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nghiêm trọng nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi trên 65 tuổi và những người có vấn đề về sức khỏe hoặc hệ miễn dịch yếu.

Dựa vào thời gian mắc bệnh, viêm phổi có thể diễn ra cấp tính hoặc mạn tính. Khi tình trạng viêm phổi kéo dài hơn 6 tuần, bệnh được gọi là viêm phổi mạn tính.

Thông thường, tình trạng viêm phổi chủ yếu là viêm phổi cấp với các triệu chứng điển hình như sốt cao khởi phát đột ngột hoặc sốt tăng dần kèm theo ho khan trong những ngày đầu. Ban đầu người bệnh khó khạc đờm nhưng sau đó ho khạc ra nhiều đờm có mủ màu xanh, vàng. Tình trạng khó thở có xu hướng ngày càng tăng. Nếu bệnh trở nặng có thể gây khó thở nhiều.

Phân loại viêm phổi

Dựa theo nguyên nhân, viêm phổi có các loại sau:

  • Viêm phổi do vi khuẩn
  • Viêm phổi do virus
  • Viêm phổi do Mycoplasma
  • Viêm phổi do tác nhân khác, ví dụ như nấm

Dựa theo nơi mắc bệnh hoặc cách thức mắc bệnh, viêm phổi có các loại sau:

  • Viêm phổi bệnh viện
  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng
  • Viêm phổi liên quan đến máy thở
  • Viêm phổi hít

Dựa theo khu vực phổi bị tổn thương:

  • Viêm phổi thùy
  • Viêm phổi kẽ

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi thay đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi trùng gây ra nhiễm trùng, tuổi và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm, nhưng chúng kéo dài hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi có thể bao gồm:

  • Đau ngực khi bạn thở hoặc ho
  • Nhầm lẫn hoặc thay đổi nhận thức về tinh thần (ở người lớn từ 65 tuổi trở lên)
  • Ho, có thể kèm theo đờm
  • Mệt mỏi
  • Sốt, đổ mồ hôi và run rẩy
  • Nhiệt độ cơ thể thấp hơn mức bình thường (ở người lớn hơn 65 tuổi và người có hệ miễn dịch yếu)
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Khó thở

Đối với trẻ sơ sinh, chúng có thể không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hoặc có thể nôn mửa, sốt và ho, bồn chồn, mệt mỏi và không có năng lượng, khó thở và không ăn uống.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên lạc với bác sĩ nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:

  • Sốt dai dẳng kèm lạnh run
  • Đau ngực và khó thở
  • Bạn dùng thuốc cho trẻ nhỏ tuổi (5 tuổi) hoặc người lớn tuổi (65 tuổi)
  • Ho có máu hoặc đờm từ phổi
  • Khó thở, thở nông, thở nhanh và hụt hơi.

Viêm phổi cấp có thể tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị không phù hợp hoặc do cơ thể quá suy kiệt. Một số biến chứng có khả năng xảy ra là:

  • Suy hô hấp: tổn thương phổi ngày càng lan rộng gây suy hô hấp, người bệnh có thể tử vong vì suy hô hấp hoặc sốc nhiễm trùng.
  • Áp xe phổi: tổn thương được khu trú lại hoặc hình thành xơ xung quanh tổn thương. Người bệnh lúc này thường ho khạc ra nhiều đờm có mùi hôi hoặc có dấu hiệu ộc mủ.
  • Tràn dịch hoặc tràn mủ màng phổi.
  • Viêm màng ngoài tim mủ

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm phổi?

Nhiều vi trùng có thể gây viêm phổi, phổ biến nhất là vi khuẩn và virus trong không khí chúng ta hít thở. Cơ thể thường ngăn chặn những vi trùng này lây nhiễm vào phổi nhưng đôi khi những vi trùng này có thể chế ngự hệ thống miễn dịch ngay cả khi bạn khỏe mạnh và gây ra bệnh.

Trong những thập kỷ gần đây, một số nguyên nhân gây viêm phổi đã được tìm thấy và đặc biệt là có sự gia tăng của các chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Gần đây, các chủng virus cúm A gây ra nhiều triệu chứng trầm trọng, trong đó có cả viêm phổi. Do đó, viêm phổi do virus cúm A như H5N1, H1N1, H3N2… dễ trở thành dịch lớn và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy vào loại viêm phổi, nguyên nhân gây bệnh sẽ khác nhau:

Viêm phổi mắc phải cộng đồng

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất, do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Vi khuẩn. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do vi khuẩn là Streptococcus pneumoniae. Loại viêm phổi này có thể tự xảy ra hoặc xuất hiện sau khi bạn bị cảm lạnh hoặc cúm. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một phần (thùy) của phổi, gọi là viêm phổi thùy.
  • Các sinh vật giống vi khuẩn. Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây viêm phổi với các triệu chứng nhẹ hơn so với các loại viêm phổi khác.
  • Nấm. Đây là nguyên nhân viêm phổi phổ biến nhất ở những người có vấn đề về sức khỏe mãn tính, hệ miễn dịch yếu tiếp xúc với nấm được tìm thấy trong đất hoặc phân chim. Một số loại nấm gây viêm phổi như Pneumocystis jirovecii, Cryptococcus species, Histoplasmosis species.
  • Virus. Một số loại virus gây cảm lạnh và cúm có thể gây viêm phổi. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, viêm phổi do virus thường nhẹ, mặc dù trong một số trường hợp bệnh có thể trở nên rất nghiêm trọng. Một số loại virus phổ biến gây viêm phổi như virus cúm, virus hợp bào hô hấp và rhinovirus.

Viêm phổi bệnh viện

Một số người bị viêm phổi trong thời gian nằm viện điều trị một tình trạng sức khỏe khác. Viêm phổi bệnh viện có thể nghiêm trọng vì vi khuẩn gây bệnh có thể kháng thuốc kháng sinh nhiều hơn và sức khỏe người bệnh còn yếu. Những người đang sử dụng máy thở (máy thở), thường trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, có nguy cơ cao mắc loại viêm phổi này.

Viêm phổi hít phải

Viêm phổi hít phải, còn gọi là viêm phổi sặc, là một dạng nhiễm trùng phổi xảy ra do hít phải một lượng lớn các chất từ dạ dày hoặc miệng vào phổi. Các chất này có thể là thức ăn, nước, chất nôn hoặc nước bọt.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh viêm phổi?

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phổi. Người trưởng thành, trẻ em và người bị bệnh mạn tính như COPD và hen suyễn có nguy cơ cao bị viêm phổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:

  • Hút thuốc
  • Nhiễm trùng đường hô hấp – cảm lạnh, viêm thanh quản, cúm
  • Bệnh phổi mạn tính
  • Các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tim, xơ gan hoặc tiểu đường
  • Suyễn
  • Có hệ miễn dịch yếu
  • Bị HIV hoặc ung thư
  • Trẻ nhỏ hoặc người lớn trên 65 tuổi

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm phổi?

Viêm phổi thường có thể bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc cúm. Tuy nhiên, bạn nên chú ý cẩn thận vì viêm phổi thường kéo dài hơn và các triệu chứng nghiêm trọng hơn các bệnh thông thường khác.

Để xác định xem bạn có bị viêm phổi hay không, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để biết thêm về tình trạng, chẳng hạn như:

  • Các triệu chứng của bạn và mức độ xảy ra như thế nào?
  • Bạn có hút thuốc không?
  • Tiền sử sức khỏe của bạn như thế nào?
  • Bạn có đang uống thuốc không?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguy cơ mắc biến chứng của bạn, bác sĩ cũng có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

X-quang ngực

X-quang giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu viêm trong ngực. Ngoài ra, X-quang cũng có thể giúp bác sĩ biết vị trí và mức độ của tình trạng viêm.

Cấy máu

Xét nghiệm này sử dụng mẫu máu để xác nhận nhiễm trùng. Nuôi cấy cũng có thể giúp xác định nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm phổi.

Cấy đờm

Trong quá trình cấy đờm, bác sĩ sẽ lấy một mẫu chất nhầy khi bạn ho để xác định nguyên nhân nhiễm trùng.

Đo độ bão hòa oxy

Phương pháp này đo mức oxy trong máu, từ đó giúp bác sĩ xác định phổi có đủ oxy không.

Chụp CT

Chụp CT giúp bác sĩ quan sát phổi rõ hơn, từ đó có thể phát hiện tình trạng viêm.

Lấy mẫu dịch

Nếu bác sĩ nghi ngờ có dịch trong khoang màng phổi của bạn, họ có thể dùng kim lấy mẫu dịch giữa xương sườn. Xét nghiệm này có thể giúp xác định nguyên nhân viêm phổi.

Nội soi phế quản

Bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm này nếu các triệu chứng ban đầu của bạn nghiêm trọng, hoặc nếu bạn nhập viện và không đáp ứng tốt với kháng sinh.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm phổi?

Việc điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của viêm phổi.

Các loại viêm phổi do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh.

Viêm phổi do virus thường được điều trị bằng việc nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Bác sĩ cũng có thể chỉ định Thuốc kháng virus nếu bạn bị bệnh cúm.

Các loại bệnh viêm phổi do nấm thường được điều trị bằng thuốc chống nấm.

Các bác sĩ thường kê toa thuốc không kê đơn (OTC) để giúp kiểm soát các triệu chứng viêm phổi, bao gồm các phương pháp điều trị để hạ sốt, giảm đau nhức và ức chế ho. Các thuốc thường được chỉ định như paracetamol, aspirin hoặc ibuprofen.

Ngoài ra, việc nghỉ ngơi và uống nhiều nước là rất quan trọng. Nước giúp làm loãng đờm và chất nhầy dày, do đó bạn sẽ dễ ho hơn.

Bạn có thể phải nhập viện vì viêm phổi nếu các triệu chứng đặc biệt xấu hoặc có hệ miễn dịch yếu hay các bệnh nghiêm trọng khác.

Khi nhập viện, bác sĩ thường điều trị bệnh bằng kháng sinh và truyền dịch. Đôi lúc, người bệnh cần phải dùng đến máy trợ thở. 

Viêm phổi có nguy hiểm không?

Viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc các tình trạng mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.

Tình trạng mãn tính tồi tệ hơn

Nếu bạn mắc một số tình trạng sức khỏe từ trước, viêm phổi có thể làm cho các bệnh này tồi tệ hơn. Những tình trạng sức khỏe này bao gồm suy tim sung huyết và khí phế thũng. Đối với một số người, viêm phổi làm họ tăng nguy cơ đau tim.

Vãng khuẩn huyết (Bacteremia)

Vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi có thể lây lan vào máu, có thể dẫn đến huyết áp thấp nguy hiểm, sốc nhiễm trùng huyết và trong một số trường hợp là suy nội tạng.

Áp xe phổi

Áp xe phổi là những lỗ phổi chứa mủ. Thuốc kháng sinh có thể điều trị bệnh, nhưng đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu dẫn lưu hoặc phẫu thuật để loại bỏ mủ.

Suy hô hấp

Suy hô hấp là tình trạng bạn không nhận đủ oxy và cần dùng máy trợ thể để hít thở bình thường. 

Hội chứng suy hô hấp cấp tính

Đây là một dạng suy hô hấp nghiêm trọng và cần được cấp cứu kịp thời.

Tràn dịch màng phổi

Nếu viêm phổi không được điều trị, bạn có thể bị tràn dịch quanh phổi hoặc trong màng phổi. Dịch có thể bị nhiễm trùng và cần phải được dẫn lưu.

Tử vong

Trong một số trường hợp, viêm phổi có thể gây tử vong. Theo CDC, hơn 49.000 người ở Hoa Kỳ đã chết vì viêm phổi năm 2017.

Viêm phổi có lây không?

Các nguyên nhân viêm phổi là do vi trùng, do đó bệnh có thể lây lan từ người sang người.

Cả viêm phổi do virus và vi khuẩn có thể lây sang người khác thông qua việc hít phải dịch khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Bạn cũng có thể bị viêm phổi này nếu tiếp xúc với các bề mặt hoặc vật thể bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm phổi.

Bạn có thể mắc bệnh viêm phổi do nấm từ môi trường xung quanh, nhưng bệnh không lan truyền từ người sang người.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi?

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với viêm phổi:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước
  • Hãy để cho mình ho vì đó là cách cơ thể bạn tống xuất vi khuẩn. Nếu ho làm bạn khó ngủ vào ban đêm, thở khó hoặc gây nôn, bạn nên uống thuốc giảm ho
  • Dùng acetaminophen hoặc aspirin có thể giúp bạn giảm sốt và làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn.
  • Tiêm phòng. Hiện nay, đã có vắc xin có thể ngăn ngừa một số loại viêm phổi và cúm. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thời gian và số lượng mũi tiêm bạn cần. Trẻ em dưới 2 tuổi cũng cần tiêm phòng viêm phổi và bệnh phế cầu khuẩn cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi.
  • Để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng đường hô hấp đôi khi dẫn đến viêm phổi, hãy rửa thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
  • Không hút thuốc lá vì thuốc lá sẽ làm hỏng hệ thống phòng thủ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý, gồm ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống lành mạnh.

Viêm phổi tuy điều trị được nhưng cũng là một bệnh khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. Ngoài ra, các đối tượng bệnh nhân bị tiểu đường, nghiện rượu, COPD hay suy giảm miễn dịch cũng dễ bị viêm phổi hơn với các tác nhân gây bệnh khá đặc thù. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi thấy các triệu chứng sốt, ho đờm đục, đau ngực kéo dài, đặc biệt là sau một đợt bị cảm cúm.

Và hãy nhớ rằng uống nhiều nước, nghỉ ngơi là cách điều trị hỗ trợ giúp phục hồi bệnh hiệu quả.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện
  • Dấu hiệu viêm phổi: Phòng ngừa ngay từ khi xuất hiện!
  • Bệnh viêm phổi có nguy hiểm không là do chính bạn
adminHealth

Recent Posts

Các loại băng vệ sinh mặt bông thấm hút và chống tràn tốt nhất hiện nay

Băng vệ sinh mặt bông là loại băng ưa chuộng của chị em phụ nữ…

3 ngày ago

Kích thước băng vệ sinh bao nhiêu là phù hợp

Hiện nay, băng vệ sinh được thiết kế với rất nhiều phiên bản khác nhau,…

3 ngày ago

Cách trị hăm tã cho bé an toàn và hiệu quả tại nhà

Bé bị hăm tã là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe…

6 ngày ago

Top 3 thuốc trị hăm tã cho trẻ sơ sinh an toàn, mẹ yên tâm

Bé bị hăm tã khiến bé khó chịu và quấy khóc. Mẹ lo lắng và…

6 ngày ago

Cách xử lý băng vệ sinh sau khi sử dụng chuẩn nhất

Băng vệ sinh là thứ không thể thiếu đối với chị em phụ nữ mỗi…

6 ngày ago

Cách mua băng vệ sinh cho bạn gái “chuẩn chỉnh”

Mỗi khi đến “ngày rụng dâu” các bạn gái thường đắn đo nên dùng loại…

1 tuần ago