Categories: Sức Khoẻ

Hở eo tử cung

Tìm hiểu chung

Hở eo tử cung là gì?

Hở eo tử cung xảy ra khi mô tử cung yếu, dẫn đến hoặc góp phần gây ra sinh non hoặc sẩy thai.

Trong quá trình mang thai, cổ tử cung thường đóng kín. Khi bạn chuẩn bị sinh con, cổ tử cung sẽ mềm và mở rộng để em bé có thể ra ngoài dễ dàng. Nếu bạn bị hở eo tử cung, cổ tử cung sẽ mở ra quá sớm, dẫn đến sinh non.

Thực tế, rất khó để chẩn đoán và điều trị hở eo tử cung. Nếu cổ tử cung mở sớm hoặc bạn có bệnh sử bị hở eo tử cung, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc phòng ngừa trong quá trình mang thai, thường xuyên siêu âm hoặc làm phẫu thuật đóng cổ tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng hở eo tử cung là gì?

Khi bị hở eo tử cung, bạn sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Một số phụ nữ sẽ hơi khó chịu nhẹ hoặc có các đốm nhỏ trong vài ngày hoặc vài tuần, bắt đầu từ tuần 14 – 20 của thai kỳ.

Bạn hãy chú ý đến các triệu chứng hở eo tử cung sau đây, nếu bất ngờ phát hiện hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ:

  • Cảm giác có áp lực lên xương chậu
  • Xuất hiện cơn đau lưng mới
  • Co thắt bụng nhẹ
  • Dịch âm đạo bất thường
  • Chảy máu âm đạo nhẹ

Nguyên nhân

Nguyên nhân hở eo tử cung là gì?

Nguyên nhân hở eo tử cung là do các mô tử cung yếu. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm bạn tăng nguy cơ bị hở eo tử cung như:

  • Tổn thương cổ tử cung. Một số thủ thuật giúp điều trị các bất thường cổ tử cung có thể vô tình làm tổn thương khu vực này. Trong một số trường hợp hiếm, rách cổ tử cung trong quá trình sinh nở trước đó có thể khiến bạn bị hở eo tử cung ở lần mang thai tiếp theo.
  • Chủng tộc. Mặc dù không rõ nguyên nhân, nhưng phụ nữ da đen dường như có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Các tình trạng sức khỏe bẩm sinh. Những bất thường ở tử cung và rối loạn di truyền có thể làm yếu các mô tử cung. Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES), một dạng tổng hợp của hormone estrogen, trước khi sinh cũng có thể làm bạn tăng nguy cơ bị hở eo cổ tử cung.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hở eo cổ tử cung?

Bác sĩ thường phát hiện tình trạng hở eo cổ tử cung trong lúc khám thai mặc dù việc chẩn đoán khá khó khăn, đặc biệt nếu bạn lần đầu mang thai.

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Hãy chắc chắn nói cho bác sĩ biết nếu bạn từng bị sẩy thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc bạn từng làm thủ thuật y tế ở tử cung.

Bác sĩ có thể chẩn đoán hở eo tử cung nếu bạn có:

  • Bệnh sử giãn cổ tử cung không đau và sinh non ở tam cá nguyệt thứ hai
  • Giãn cổ tử cung tiến triển trước tuần 24 thai kỳ và không bị co thắt đau đớn, chảy máu âm đạo, vỡ nước ối hoặc nhiễm trùng

Một số xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh trong tam cá nguyệt thứ hai như:

  • Siêu âm đầu dò. Bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm đầu dò để đánh giá chiều dài cổ tử cung và kiểm tra xem màng ối có nhô ra khỏi cổ tử cung hay không.
  • Kiểm tra cổ tử cung. Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung của bạn để xem túi ối đã bắt đầu nhô ra qua lỗ mở chưa. Nếu màng bào thai nằm trong ống cổ tử cung hoặc âm đạo, bác sĩ có thể chẩn đoán hở eo tử cung. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cơn co thắt và theo dõi chúng (nếu cần thiết).
  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nếu bác sĩ có thể nhìn thấy màng bào thai và siêu âm cho thấy dấu hiệu viêm nhưng bạn không có triệu chứng nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra nước ối (chọc ối) để chẩn đoán và loại trừ nhiễm trùng dịch và túi ối (viêm màng ối).

Những phương pháp nào giúp điều trị hở eo tử cung?

Các phương pháp điều trị tập trung chủ yếu vào kiểm soát hở eo tử cung, bao gồm:

  • Bổ sung progesterone. Nếu bạn có tiền sử sinh non, bác sĩ có thể đề nghị tiêm một dạng hormone progesterone – hydroxyprogesterone caproate – hàng tuần trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
  • Thường xuyên siêu âm. Nếu bạn có tiền sử sinh non hoặc có các yếu tố làm tăng nguy cơ bị hở eo tử cung, bác sĩ có thể cần kiểm tra cẩn thận chiều dài tử cung thông qua siêu âm. Quá trình này sẽ bắt đầu mỗi hai tuần, từ tuần 16 đến tuần 24 thai kỳ. Nếu phát hiện cổ tử cung bắt đầu mở hoặc ngắn hơn bình thường, bác sĩ có thể khuyên bạn nên khâu vòng cổ tử cung.
  • Khâu vòng cổ tử cung. Nếu thai dưới 24 tuần hoặc bạn có tiền sử sinh non và cổ tử cung đang mở, bác sĩ sẽ yêu cầu khâu vòng cổ tử cung để ngăn ngừa sinh non. Họ sẽ dùng chỉ để khâu kín cổ tử cung. Chỉ sẽ được loại bỏ trong tháng cuối cùng của thai kỳ hoặc trong lúc bạn chuyển dạ.
    Nếu bạn có tiền sử sinh non do hở eo tử cung, bác sĩ có thể khuyên bạn nên khâu vòng trước khi cổ tử cung bắt đầu mở. Thủ thuật này thường được thực hiện trước tuần 14 của thai kỳ.
    Nếu bạn có nguy cơ sinh non do các nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ không đề nghị khâu vòng tử cung. Ngoài ra, thủ thuật này không được khuyến nghị cho phụ nữ mang song thai hoặc đa thai. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc khâu vòng tử cung.

Hở eo tử cung có nguy hiểm không?

Hở eo tử cung có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, chẳng hạn như:

  • Sinh non
  • Sẩy thai

Phòng ngừa hở eo tử cung

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa hở eo tử cung?

Thực tế, bạn không thể phòng ngừa hở eo tử cung, nhưng có nhiều việc bạn có thể thực hiện để đảm bảo thai nhi luôn khỏe mạnh, chẳng hạn như:

  • Thường xuyên khám thai định kỳ. Việc khám thai định kỳ sẽ giúp bác sĩ kiểm soát sức khỏe của mẹ và bé. Họ cũng có thể nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu và triệu chứng bất thường, từ đó sẽ có biện pháp điều trị kịp thời.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh. Trong suốt thai kỳ, bạn nên bổ sung thêm axit folic, canxi, sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết khác để đảm bảo cơ thể bạn và bé không thiếu chất. Bạn có thể bổ sung các chất này bằng thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Hãy hỏi bác sĩ để biết chắc hàm lượng các chất dinh dưỡng bạn cần bổ sung mỗi ngày nhé.
  • Kiểm soát cân nặng. Tăng cân là điều dễ hiểu khi mang thai. Tuy nhiên, việc tăng cân hợp lý sẽ tốt cho sức khỏe thai nhi. Thông thường, phụ nữ chỉ nên tăng 11 – 16kg khi mang thai.
  • Tránh xa các chất có hại cho thai nhi. Nếu bạn hút thuốc lá và uống rượu bia, hãy cai thuốc và các chất gây nghiện này. Ngoài ra, nếu muốn dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn bị hở eo tử cung, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn hạn chế quan hệ tình dục hoặc các hoạt động thể chất khác để giúp thai nhi ổn định.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tìm hiểu dinh dưỡng cho bà bầu mang thai tháng thứ 6
  • Đi tìm nguyên nhân khiến bà bầu khó chịu, mệt mỏi khi mang thai
  • 5 biến chứng khi mang thai mà mẹ bầu có thể phải đối mặt
adminHealth

Recent Posts

Cách trị hăm tã cho bé an toàn và hiệu quả tại nhà

Bé bị hăm tã là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe…

1 ngày ago

Top 3 thuốc trị hăm tã cho trẻ sơ sinh an toàn, mẹ yên tâm

Bé bị hăm tã khiến bé khó chịu và quấy khóc. Mẹ lo lắng và…

1 ngày ago

Cách xử lý băng vệ sinh sau khi sử dụng chuẩn nhất

Băng vệ sinh là thứ không thể thiếu đối với chị em phụ nữ mỗi…

1 ngày ago

Cách mua băng vệ sinh cho bạn gái “chuẩn chỉnh”

Mỗi khi đến “ngày rụng dâu” các bạn gái thường đắn đo nên dùng loại…

4 ngày ago

Sự khác biệt giữa vàng da sơ sinh và vàng da bệnh lý

Khi trẻ sơ sinh bắt đầu xuất hiện dấu hiệu vàng da. Ba mẹ đừng…

5 ngày ago

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng kêu ọc ọc, mẹ cần lưu ý điều gì?

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng gây ra không ít lo lắng và phiền muộn…

5 ngày ago