Ung thư tử cung

0
130
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Ung thư tử cung là bệnh gì?

Ung thư tử cung là ung thư phát triển ở lớp nội mạc tử cung tức là lớp biểu bì lót bên trong tử cung; cổ tử cung hoặc thân tử cung. Tử cung nằm ở giữa bàng quang và trực tràng, bao gồm cổ tử cung và thân tử cung. Cổ tử cung nối với âm đạo, còn thân tử cung nối với ống dẫn trứng. Ngoài ra, ung thư còn có thể phát triển từ lớp mô tạo thành tử cung. Các khối u hiếm gặp này là các ung thư mô liên kết tử cung.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tử cung là gì?

Khi bị ung thư tử cung, người bệnh có thể có xuất hiện một số triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào. Đôi khi các triệu chứng xuất hiện cũng có thể là do một loại bệnh khác. Bạn nên khám bác sĩ để biết chắc chắn. Các triệu chứng sớm bao gồm:

  • Xuất huyết, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục hoặc sau thời kỳ mãn kinh;
  • Vùng bụng dưới thường xuyên đau;
  • Dịch âm đạo loãng hay lẫn máu có thể xảy ra;
  • Tử cung có thể trở nên lớn hơn, đủ lớn để có thể cảm nhận được ở vùng chậu.

Các triệu chứng muộn thường xảy ra sau khi ung thư đã lan đến các cơ quan khác, bao gồm: đau bụng, đau ngực, sụt cân…

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nên gọi bác sĩ nếu bạn nằm trong một trong những trường hợp sau:

  • Thấy dịch tiết âm đạo bất thường về mùi, lượng và màu.
  • Cần hỗ trợ tinh thần.
  • Gặp tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, có dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, đau cơ, đau đầu) hoặc có triệu chứng mới không giải thích được.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra ung thư tử cung?

Các nhà khoa học chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Họ chỉ biết rằng có hiện tượng đột biến bên trong các tế bào lớp nội mạc tử cung. Đột biến gen chuyển các tế bào khỏe mạnh bình thường thành những tế bào bất thường. Tế bào khỏe mạnh tăng trưởng và nhân lên theo một tốc độ nhất định, cuối cùng sẽ chết tại một thời điểm cố định. Các tế bào bất thường lại tăng trưởng, nhân lên vượt ngoài tầm kiểm soát và không chết khi đến đúng thời điểm. Sự tích tụ của chúng tạo nên khối u. Các tế bào ung thư xâm lấn mô lân cận và có thể di căn đến nhiều nơi trong cơ thể.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải ung thư tử cung?

Hiện nay, số người bị ung thư tử cung đang tăng. Ung thư tử cung hầu hết xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng người bị bệnh béo phì cũng có nguy cơ cao bị ung thư tử cung.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bao gồm:

  • Thay đổi cân bằng nội tiết tố nữ. Buồng trứng tạo nên hai hormone nữ chính – estrogen và progesterone. Sự dao động của những hormone này tạo nên sự thay đổi lớp nội mạc. Bệnh lý làm tăng lượng estrogen nhưng lại không tăng lượng progesterone trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bệnh ung thư nội mạc tử cung. Ví dụ như hiện tượng trứng rụng bất thường ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì và đái tháo đường. Việc uống hormone có chứa estrogen nhưng không chứa progesterone sau mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Có kinh nhiều năm. Bắt đầu có kinh sớm – trước 12 tuổi – hoặc mãn kinh muộn đều làm tăng nguy cơ do tăng thời gian tiếp xúc với estrogen;
  • Chưa từng mang thai;
  • Người cao tuổi;
  • Béo phì: lượng mỡ cơ thể quá nhiều sẽ thay đổi cân bằng nội tiết của cơ thể;
  • Điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết (tamoxifen);
  • Bị ung thư đại trực tràng không polyp do di truyền (HPNCC).

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư tử cung?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên bệnh sử, khám thực thể và sinh thiết nội mạc tử cung. Trong kỹ thuật sinh thiết này, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ tử cung và kiểm tra xem có phải là ung thư không. Bác sĩ sẽ hỏi bạn các triệu chứng xuất hiện từ khi nào để xác định thời gian khối u phát triển.

Ung thư tử cung có thể di căn đến bàng quang, trực tràng và các cơ quan khác. Cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm khác để phân giai đoạn ung thư. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, chụp CT (cắt lớp vi tính), chụp MRI (cộng hưởng từ), siêu âm, và nạo tử cung.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư tử cung?

Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Tùy vào giai đoạn của ung thư mà bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u trong tử cung, hay toàn bộ buồng trứng và ống dẫn trứng. Nếu ung thư đã di căn nhưng chưa lan ra quá xa, bác sĩ có thể yêu cầu bỏ một số mô hoặc hạch gần đó để tránh khả năng ung thư tiếp tục di căn. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng phương pháp xạ trị, liệu pháp hormone, cortisone và hóa trị để làm teo khối ung thư còn sót lại đồng thời ngăn ngừa ung thư di căn. Bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ chịu trách nhiệm điều trị.

Điều trị ung thư sẽ gây ra các tác dụng phụ của thuốc cũng như các chất hóa học trong hóa trị. Tùy theo loại thuốc và hóa chất sử dụng, các tác dụng phụ sẽ khác nhau. Hiện nay, các bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến các nhóm chia sẻ, hỗ trợ về mặt tinh thần trong giai đoạn này.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tử cung?

Vì các biện pháp chữa ung thư đều có những tác dụng phụ khó chịu đối với người bệnh như gây mệt mỏi cũng như các thay đổi về ngoại hình và ảnh hưởng tới tinh thần. Bạn nên nhớ rằng dù trong giai đoạn chữa trị, bạn vẫn có thể có cuộc sống năng động và bình thường. Bạn nên chia sẻ với người thân và bạn bè về những gì bạn đang trải qua vì họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn điều trị của bạn.

Ung thư tử cung có thể được hạn chế nếu bạn:

  • Tìm phẫu thuật viên và bác sĩ chuyên khoa ung bướu có kinh nghiệm trong điều trị ung thư;
  • Giữ đúng lịch tái khám trong khi và sau khi điều trị để kiểm tra các tác dụng phụ cũng sự tái phát của ung thư;
  • Quay trở lại hoạt động bình thường cũng như sinh hoạt tình dục 4-8 tuần sau phẫu thuật;
  • Hiểu rằng nếu bạn chưa mãn kinh, bạn sẽ không thể có kinh nguyệt nữa sau khi phẫu thuật;
  • Có thể sẽ gặp các triệu chứng như nóng bừng trong người nếu cả 2 buồng trứng của bạn đều bị cắt bỏ trong lúc phẫu thuật.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcBạn đã biết gì về ung thư tinh hoàn ở nam giới?
Bài tiếp theoUng thư túi mật