Rối loạn tuyến giáp

0
181
Quảng Cáo

Có nhiều bệnh lý của tuyến giáp từ đơn giản đến phức tạp và ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Việc nhận biết được các triệu chứng của từng loại bệnh lý khác nhau không phải dễ dàng, nhưng bạn có thể nắm bắt được sơ lược một số dấu hiệu cơ bản của từng bệnh lý trong bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Rối loạn tuyến giáp là bệnh gì?

Rối loạn tuyến giáp là những bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến giáp, một tuyến hình cánh bướm trong cổ. Tuyến giáp có vai trò quan trọng để điều hòa nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Những loại rối loạn tuyến giáp khác nhau ảnh hưởng đến cả cấu trúc lẫn chức năng của tuyến giáp.

Chức năng của tuyến giáp được điều chỉnh bởi cơ chế phản hồi ngược liên quan đến não bộ. Khi nồng độ hormone giáp giảm thấp, vùng hạ đồi sẽ tạo ra hormone kích thích tuyến yên (nằm ở đáy não) để giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH).

Vì tuyến giáp được kiểm soát bởi tuyến yên và vùng hạ đồi, các rối loạn của những mô này cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây ra các vấn đề về tuyến giáp.

Có nhiều bệnh lý của tuyến giáp bao gồm:

  •  Suy giáp
  •  Cường giáp
  •  Bướu giáp
  •  Hạt giáp
  •  Ung thư tuyến giáp

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tuyến giáp?

Suy giáp:

  •  Mệt mỏi
  •  Kém tập trung hoặc cảm giác lờ đờ
  •  Da khô
  •  Táo bón
  •  Cảm giác lạnh
  •  Giữ nước
  •  Đau cơ và khớp
  •  Trầm cảm
  •  Xuất huyết âm đạo kéo dài hoặc cường kinh ở phụ nữ

Cường giáp:

  •  Run tay
  •  Buồn nôn
  •  Nhịp tim nhanh
  •  Mệt mỏi
  •  Không dung nạp nhiệt
  •  Tăng nhu động ruột
  •  Tăng tiết mồ hôi
  •  Các vấn đề về sự tập trung
  •  Giảm cân không chủ ý

Hạt giáp:

Hạt giáp là những u hoặc khối u bất thường nằm trong tuyến giáp. Có thể có một hoặc nhiều hạt giáp, khác nhau về kích thước. Nếu hạt giáp quá lớn, nó có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến việc chèn ép các cấu trúc xung quanh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng liệt kê ở trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ. Cơ địa của mỗi người hoạt động khác nhau. Bạn nên thảo luận với bác sĩ để có được lời khuyên tốt nhất cho mình.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn tuyến giáp?

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng do tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone giáp. Suy giáp có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, tuyến yên hoặc vùng hạ đồi.

Cường giáp

Cường giáp mô tả tình trạng sản sinh ra quá nhiều hormone giáp, hội chứng này ít gặp hơn suy giáp. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp là:

  • Bệnh Graves
  • Bướu giáp độc đa nhân
  • Hạt giáp tăng tiết quá nhiều hormone giáp trạng (còn gọi là nốt “nóng”)
  • Tiêu thụ lượng iốt quá mức

Bướu giáp

Bướu giáp không phải là một bệnh lý cụ thể. Một bướu giáp có thể liên quan đến hội chứng suy giáp, cường giáp hoặc thậm chí chức năng tuyến giáp bình thường.

Hạt giáp

Hạt giáp là những u hoặc khối bất thường nằm bên trong tuyến giáp. Hạt giáp có thể do nang giáp, bướu giáp lành tính hoặc ung thư tuyến giáp (ít phổ biến hơn) gây ra.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp thường gặp ở những phụ nữ trưởng thành hơn là nam giới hoặc người trẻ. Khoảng 2/3 trường hợp xảy ra ở người dưới 55 tuổi. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào đặc hiệu bên trong tuyến giáp. Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt và tỷ lệ sống sót cao, đặc biệt khi được chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải rối loạn tuyến giáp?

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tuyến giáp?

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn tuyến giáp?

Ngoài bệnh sử và thăm khám lâm sàng, nhiều xét nghiệm chuyên biệt được sử dụng để chẩn đoán rối loạn tuyến giáp, như:

  • Xét nghiệm máu thường được thực hiện để đo nồng độ hormone tuyến giáp và TSH. Một số xét nghiệm máu khác giúp tìm các kháng thể kháng mô tuyến giáp, như định lượng anti-thyroglobulin, anti-thyroperoxidase, hoặc các kháng thể kích thích thụ thể TSH.
  • Siêu âm thường được sử dụng với hạt giáp hoặc phì đại tuyến giáp. Siêu âm có thể thấy được sự đồng nhất của mô trong tuyến giáp và thường phát hiện được nang hoặc vôi hóa. Tuy nhiên, siêu âm không thể phân biệt được tình trạng lành tính hoặc ác tính của rối loạn tuyến giáp.
  • Các xét nghiệm tuyến giáp có sử dụng i-ốt phóng xạ thường được thực hiện để đánh giá chức năng của các hạt giáp.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ và sinh thiết để xét nghiệm và chẩn đoán bệnh. Đôi khi, siêu âm được sử dụng để hỗ trợ tiến trình thực hiện chọc hút bằng kim nhỏ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn tuyến giáp?

Rối loạn tuyến giáp có thể được điều trị bằng thuốc hoặc trong một vài trường hợp cần phải phẫu thuật. Điều trị sẽ tùy thuộc vào bệnh lý đặc hiệu của tuyến giáp.

Thuốc hướng tuyến giáp

Bạn có thể dùng các loại thuốc để thay thế hormone tuyến giáp bị thiếu trong hội chứng suy giáp. Hormone tuyến giáp tổng hợp được sử dụng dưới dạng viên uống. Ngược lại trong cường giáp, thuốc có thể được sử dụng để làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp hoặc ngăn ngừa sự phóng thích của chúng. Các thuốc khác có thể được dùng để giúp kiểm soát các triệu chứng của hội chứng cường giáp, chẳng hạn như tăng nhịp tim. Nếu cường giáp không được kiểm soát bằng thuốc, bạn có thể điều trị loại bỏ bằng phóng xạ.

Phẫu thuật tuyến giáp

Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một bướu giáp lớn hoặc một u cường chức năng trong tuyến. Phẫu thuật là cần thiết khi bạn có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp. Nếu tuyến giáp được loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân sẽ cần phải được bổ sung một lượng hormone tuyến giáp tổng hợp hàng ngày. Phẫu thuật tuyến giáp cũng có thể được sử dụng trong bệnh lý Graves (cắt bỏ tuyến giáp bán phần) và là sự lựa chọn điều trị trước khi tiến hành liệu pháp RAI và thuốc kháng giáp. Liệu pháp này hiện nay không còn được sử dụng nhiều.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tuyến giáp?

Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn tuyến giáp:

  • Ăn kiêng để cải thiện mức năng lượng được đưa vào cơ thể, điều này rất quan trọng khi bạn phải đối mặt với tình trạng buồn ngủ suốt ngày và mệt mỏi liên quan đến tuyến giáp. Bạn nên có các bữa ăn nhỏ, đầy đủ chất dinh dưỡng để giữ cho cơ thể có đủ năng lượng hoạt động.
  • Hoạt động thể dục thường xuyên sẽ tăng đốt cháy năng lượng, giúp giảm cân và giảm căng thẳng.
  • Tập yoga, thiền định, thở sâu hoặc chỉ thư giãn với một số loại âm nhạc nhẹ nhàng để giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
  • Ngủ đủ giấc sẽ cải thiện sự mệt mỏi hàng ngày. Bạn cần sắp xếp và giữ cho phòng ngủ mát mẻ, ấm áp, tránh caffeine từ sau 6 giờ tối.
  • Tái khám thường xuyên và thực hiện các xét nghiệm tầm soát cũng như rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn hoặc chăm sóc người bệnh.

Tuyến giáp có nhiều bệnh lý khác nhau như: cường giáp, suy giáp, bướu giáp, hạt giáp hoặc ung thư tuyến giáp. Nguyên nhân của từng bệnh lý có thể từ tuyến giáp, từ tuyến yên hoặc từ vùng hạ đồi. Việc nghi ngờ bệnh lý liên quan đến tuyến giáp đòi hỏi bạn phải có những hiểu biết nhất định về những bệnh lý này. Việc đến gặp bác sĩ để được điều trị là rất quan trọng, nhất là đối với ung thư tuyến giáp – ung thư có tiên lượng rất tốt khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcRối loạn tuần hoàn não
Bài tiếp theoRối loạn tuyến vú