Tiền mãn kinh

0
96
Quảng Cáo

Tìm hiểu chung

Tiền mãn kinh là bệnh gì?

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian mà cơ thể bắt đầu quá trình chuyển đổi tự nhiên đến kỳ mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc của tuổi sinh sản. Tiền mãn kinh cũng được gọi là quá trình chuyển đổi mãn kinh.

Phụ nữ bắt đầu mãn kinh ở lứa tuổi khác nhau. Thông thường vào độ tuổi 40, bất thường kinh nguyệt sẽ xuất hiện báo hiệu thời kỳ mãn kinh. Thế nhưng ở một số người, sự thay đổi này diễn ra khá sớm khi chỉ mới 30 tuổi.

Mức độ nội tiết tố nữ (estrogen) trong cơ thể tăng giảm không đều trong thời tiền mãn kinh. Chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hay rút ngắn và bạn bắt đầu có kinh mà buồng trứng không rụng trứng. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng mãn kinh như nóng ran, khó ngủ và khô âm đạo. Phương pháp điều trị tiền mãn kinh nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng này.

Khi không có kinh nguyệt trong suốt 1 năm, bạn đã chính thức đến tuổi mãn kinh và thời kỳ tiền mãn kinh kết thúc.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiền mãn kinh?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh tiền mãn kinh là:

  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: khó xác định ngày rụng trứng, thời gian giữa các kỳ có thể dài hoặc ngắn hơn, máu kinh không đều từ ít đến nhiều và thỉnh thoảng mất kinh. Tiền mãn kinh sớm được định nghĩa là thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bảy ngày. Tiền mãn kinh muộn là mất hai hay nhiều kỳ kinh và trong 60 ngày hoặc nhiều hơn giữa các thời kỳ;
  • Vấn đề khó ngủ và nóng bừng: phổ biến trong thời kì tiền mãn kinh với cường độ, thời gian và tần số khác nhau. Khó ngủ thường do nóng ran hoặc đổ mồ hôi đêm, giấc ngủ trở nên thất thường;
  • Những thay đổi tâm trạng: thay đổi tính tình, dễ bị kích thích hoặc tăng nguy cơ trầm cảm có thể xảy ra trong quá trình tiền mãn kinh. Nguyên nhân của các triệu chứng có thể do gián đoạn giấc ngủ liên quan đến các cơn nóng bừng. Tâm trạng thay đổi cũng có thể do các yếu tố không liên quan đến những thay đổi nội tiết tố của tiền mãn kinh;
  • Âm đạo và bàng quang gặp vấn đề: khi nồng độ estrogen giảm, mô âm đạo có thể mất bôi trơn và đàn hồi gây đau đớn khi giao hợp. Estrogen thấp cũng khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hoặc âm đạo. Mất khả năng điều khiển mô có thể gây tiểu không tự chủ;
  • Khả năng sinh sản giảm: sự rụng trứng trở nên bất thường, khả năng thụ thai giảm. Tuy nhiên, miễn là bạn đang có kinh vẫn có thể mang thai. Nếu muốn tránh thai, hãy sử dụng biện pháp ngừa thai cho đến khi không có kinh trong thời gian 12 tháng;
  • Những thay đổi trong chức năng tình dục: trong thời gian mãn kinh, kích thích và ham muốn tình dục có thể thay đổi. Nhưng với hầu hết phụ nữ thỏa mãn về mặt tình dục trước mãn kinh có thể sẽ tiếp tục trong giai đoạn qua tiền mãn kinh và sau đó;
  • Mất xương: do nồng độ estrogen suy giảm nên tốc độ mất xương nhanh hơn so với tốc độ tạo xương thay thế làm tăng nguy cơ loãng xương – một căn bệnh làm cho xương dễ gãy;
  • Thay đổi nồng độ cholesterol: giảm nồng độ estrogen có thể dẫn đến những thay đổi bất lợi về mức độ cholesterol trong máu, bao gồm sự gia tăng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL cholesterol) – các cholesterol “xấu”, cùng lúc đó, lipoprotein tỷ trọng cao (HDL cholesterol) – cholesterol tốt – giảm ở nhiều phụ nữ khi về già cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Kỳ kinh trở nên nặng nề hoặc có máu đông;
  • Kỳ kinh kéo dài một vài ngày lâu hơn bình thường;
  • Bạn chảy máu kinh giữa chu kỳ;
  • Bạn cháy máu sau khi quan hệ tình dục;
  • Kỳ kinh xảy ra gần nhau hơn.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiền mãn kinh?

Khi bạn đi qua quá trình mãn kinh, cơ thể sản xuất estrogen và progesterone thất thường. Nhiều triệu chứng mà bạn gặp phải trong tiền mãn kinh là kết quả của giảm estrogen trong cơ thể.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh tiền mãn kinh?

Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến mọi phụ nữ ở độ tuổi trung niên đến cao tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiền mãn kinh?

Mãn kinh là một giai đoạn bình thường trong cuộc sống. Nhưng ở một số phụ nữ, mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn so với người khác. Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bắt đầu mãn kinh sớm bao gồm:

  • Hút thuốc: mãn kinh xảy ra sớm 1-2 năm ở những phụ nữ hút thuốc so với những phụ nữ không hút thuốc;
  • Di truyền từ gia đình: phụ nữ có tiền sử gia đình mãn kinh sớm có thể gặp điều tương tự;
  • Điều trị ung thư: hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu có liên quan đến thời kỳ mãn kinh sớm;
  • Cắt bỏ tử cung: phẫu thuật loại bỏ tử cung nhưng không cắt buồng trứng thường không gây mãn kinh sớm. Mặc dù không còn kinh, buồng trứng vẫn còn sản xuất estrogen nhưng phẫu thuật như vậy có thể gây mãn kinh xảy ra sớm hơn so với bình thường. Ngoài ra, nếu bạn đã mất một bên buồng trứng, bên còn lại có thể ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tiền mãn kinh?

Tiền mãn kinh là quá chuyển đổi dần dần. Không có dấu hiệu chính xác để xác định xem bạn đã vào kỳ tiền mãn kinh chưa. Bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố, bao gồm cả tuổi, tiền sử kinh nguyệt và những triệu chứng hoặc thay đổi cơ thể bạn đang gặp phải.

Một số bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra mức độ hormone. Nhưng khác với chức năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến lượng hormone, kiểm tra nội tiết tố hiếm khi cần thiết hoặc hữu ích để đánh giá tiền mãn kinh.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tiền mãn kinh?

Một số phương pháp có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh, chẳng hạn như:

  • Liệu pháp hormone: liệu pháp estrogen hệ thống – trong đó thuốc viên, miếng dán da, gel hoặc dạng kem – vẫn là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để giảm tiền mãn kinh, cơn nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm. Tùy thuộc vào bệnh sử và gia đình, bác sĩ có thể kê estrogen liều thấp nhất để giảm triệu chứng. Nếu vẫn còn tử cung, bạn sẽ cần thêm progestin. Estrogen toàn thân có thể giúp ngăn ngừa mất xương;
  • Estrogen cho âm đạo: để làm giảm khô âm đạo có thể trực tiếp cho estrogen vào âm đạo dưới dạng thuốc đặt hoặc kem đặt âm đạo. Phương pháp này chỉ làm tiết một lượng nhỏ estrogen được hấp thụ bởi các mô âm đạo, giúp giảm khô âm đạo, khó chịu khi giao hợp và một số triệu chứng tiết niệu;
  • Thuốc chống trầm cảm: một số thuốc chống trầm cảm có liên quan đến nhóm thuốc ức chế chọn lọc serotonin (SSRI), có thể làm giảm các cơn nóng bừng do mãn kinh. Thuốc chống trầm cảm để kiểm soát cơn nóng có thể hữu ích cho những phụ nữ không thể dùng estrogen vì lý do sức khỏe hoặc cho phụ nữ cần thuốc chống trầm cảm do rối loạn tâm trạng;
  • Gabapentin (Neurontin®): gabapentin được dùng để điều trị động kinh và cũng có khả năng giảm nóng bừng. Thuốc này hữu ích ở những phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp estrogen vì lý do sức khỏe và những người có chứng đau nửa đầu.

Trước khi quyết định bất kỳ hình thức điều trị, bạn hãy tham khảo với bác sĩ về các lựa chọn, những rủi ro và lợi ích liên quan cũng như xem lại các lựa chọn hàng năm khi nhu cầu và lựa chọn điều trị có thể thay đổi.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiền mãn kinh?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Black cohosh: chiết xuất thảo dược này điều trị các cơn nóng bừng và các triệu chứng mãn kinh khác. Các chuyên gia cũng không chắc chắn về những rủi ro có thể xảy ra khi dùng. Nghiên cứu trước đây cho rằng cohosh đen có hại cho gan nhưng một đánh giá gần đây ở nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về điều này. Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi liệu các chiết xuất thảo mộc có an toàn cho phụ nữ mắc hoặc có nguy cơ bị ung thư vú hay không;
  • Phytoestrogen: là những estrogen tự nhiên có trong một số loại thực phẩm nhất định. Hai loại chính của phytoestrogen là isoflavone và lignan. Isoflavones được tìm thấy trong đậu nành, đậu xanh và các loại đậu khác. Lignans có trong hạt lanh, ngũ cốc nguyên hạt, một số loại trái cây và rau quả. Ngoài ra còn có các hợp chất có nguồn gốc thực vật có tính chất giống như estrogen là isoflavone từ đậu nành hoặc cỏ ba lá đỏ. Lignans chủ yếu từ hạt lanh. Các nghiên cứu về kích thích tố nữ từ thực phẩm bổ sung mâu thuẫn nhau về tác dụng làm giảm các triệu chứng mãn kinh và khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú hoặc cản trở hoạt động của tamoxifen (thuốc trị ung thư) của phytoestrogen;
  • Hormone bioidentical: thuật ngữ “bioidentical” ngụ ý chỉ kích thích tố trong sản phẩm hóa học giống hệt với cơ thể sản xuất. Tuy nhiên, việc pha trộn hormone bioidentical chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận, do đó chất lượng và rủi ro có thể thay đổi. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy hormone bioidentical an toàn và hiệu quả hơn liệu pháp hormone truyền thống;
  • Dehydroepiandrosterone (DHEA): steroid tự nhiên này được sản xuất bởi tuyến thượng thận có thể dùng như là thực phẩm bổ sung trong chế độ ăn uống để cải thiện ham muốn tình dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa có bằng chứng cụ thể về tác dụng và có một số lo ngại về tác hại của dehydroepiandrosterone.

Liệu pháp bổ sung ít rủi ro, chẳng hạn như châm cứu, yoga và thở nhịp độ có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm lý. Nghiên cứu về châm cứu giảm cơn nóng vẫn chưa đi đến kết luận nhưng phần lớn rất có tiềm năng. Thư giãn có thể giúp giảm bớt căng thẳng và dần cải thiện các triệu chứng mãn kinh.

Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thảo dược bổ sung hoặc chế độ ăn uống cho các triệu chứng tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không cấp phép sử dụng các sản phẩm thảo dược, và một số có thể nguy hiểm hoặc tương tác với các thuốc khác, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bài trướcTiền đái tháo đường
Bài tiếp theoTiền sản giật: Biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ